Trứng nếu để lâu ngày sẽ bị vữa, hỏng hoặc giảm chất dinh dưỡng. Do lớp vỏ ngoài nên chúng ta khó biết được trứng còn tươi hay bị hỏng nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Kể cả trứng được bảo quản kĩ trong tủ lạnh trong một thời gian, chúng ta vẫn cần kiểm tra trước khi sử dụng để tránh ăn phải trứng bị hỏng.
Thả trứng vào nước
Bạn chuẩn bị một ly hoặc hoặc bình nước để thả trứng vào. Nếu trứng nhanh chóng chìm xuống và nằm dưới đáy cốc theo chiều ngang thì có nghĩa là trứng vẫn còn tươi. Bạn có thể yên tâm dùng.
Nếu trứng từ từ chìm xuống và nằm theo phương thẳng đứng hoặc nằm chéo thì quả trứng đó không tươi và nên sử dụng ngay.
Nếu trứng không chìm xuống đáy, thay vào đó nổi lơ lửng ở giữa cốc hoặc nổi hẳn lên bề mặt nước thì đó là dấu hiệu cho thấy trứng bị hỏng và không nên ăn.
Một quả trứng tươi sẽ không bao giờ có không khí trong đó. Còn trứng bị hỏng nổi lên là do khí sinh ra từ các chất hữu cơ trong quá trình phân hủy. Mức độ trứng nổi càng nói lên độ phân hủy và biến chất của nó.
Kiểm tra trực quan
Ngoài phương pháp trên, bạn có thể kiểm tra trực quan bằng mắt thường. Khi quan sát vỏ trứng, nếu thấy những đặc điểm sau đây bạn nên loại bỏ nó:
- Có vết nứt trên vỏ
- Có chất bột trên vỏ
- Vỏ bị nhếch nhác
Trứng có vỏ nứt hoặc bị nhớt rất dễ bị nhiễm khuẩn. Còn chất bột có thể là dấu hiệu của nấm mốc. Nếu ăn phải sẽ rất có hại cho cơ thể.
Dùng đèn soi
Dùng đèn soi trứng là phương pháp mà các nhà sản xuất và những người chăn nuôi gia cầm thường sử dụng để kiểm tra chất lượng của trứng. Khi dùng đèn soi xuyên qua lớp vỏ, nếu phần lõm bên trong trứng chứa không khí nhỏ thì nó vẫn còn tươi. Còn nếu túi khí càng lớn thì trứng càng cũ.
Trứng có thể được bảo quản trong bao lâu?
Theo FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), trứng có thể được bảo quản từ 4 – 5 tuần sau khi được đóng gói. Tuy nhiên, con số này có thể bị dao động dựa trên cách chúng được bảo quản và nhiệt độ. Để trứng trong tủ lạnh sẽ giúp bảo quản được lâu hơn. Tuy nhiên, bạn không nên lấy trứng ra khỏi tủ lạnh rồi để ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ. Bởi khi đó sẽ làm tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn.
Nguy cơ chính của việc ăn trứng hỏng là nhiễm khuẩn Salmonella. Đây là loại vi khuẩn gây nhiễm đường ruột, thường có trên gia cầm. Salmonella có thể phát triển cả trên vỏ và bên trong lòng đỏ và lòng trắng trứng. Khi bị nhiễm loại vi khuẩn này sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, đau quặn bụng, sốt và nôn mửa.
Cách bảo quản trứng trong tủ lạnh
Nếu mua trứng công nghiệp, bạn nên giữ nguyên trứng trong hộp rồi bỏ vào tủ lạnh. Bởi phần hộp sẽ giúp ngăn chặn quả trứng khỏi những mùi hương từ các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Còn nếu bạn thu hoạch trứng từ chính gia cầm mà bạn nuôi, thì đừng nên rửa sạch rồi mới cho vào tủ lạnh. Bởi vỏ trứng có lớp phủ tự nhiên bảo vệ chúng khỏi vi khuẩn. Nếu bạn rửa sạch thì phần bên trong trứng sẽ càng dễ bị nhiễm khuẩn và bị vữa hơn. Trứng sẽ giữ được chất lượng tốt trong vòng 3 tuần đầu tiên sau khi gia cầm đẻ trứng.
Bên cạnh đó, hãy đặt trứng ở phần giữa của tủ lạnh. Hạn chế đặt ở hai bên cửa tủ lạnh bởi nhiệt độ ở phần giữa ổn định hơn. Nhờ đó trứng cũng được bảo quản lâu hơn.
Tiếp Thị Gia Đình