Trồng ngay tần dày lá để bảo vệ sức khỏe

Từ xa xưa, tần dày lá đã được xem là bài thuốc giải quyết các vấn đề về hô hấp tại nhà hiệu quả. Ngoài công dụng trên, loại cây này còn mang đến lợi ích nào cho bạn? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Ảnh: Shutterstock

Tần dày lá (húng chanh) là loại cây có hương thơm sảng khoái tựa mùi chanh. Chúng phát triển tốt ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Nhờ chứa colein và carvacrol nên tần dày lá được sử dụng như một vị thuốc ho và giúp tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, mùi hương the mát còn khiến tần dày lá có thêm công dụng đuổi muỗi.

Giảm các vấn đề về hô hấp

Từ xa xưa, tần dày lá đã được xem là bài thuốc giải quyết các vấn đề về hô hấp tại nhà hiệu quả. Các hợp chất có trong tần dày lá hoạt động như một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng sát khuẩn tốt. Vì thế chúng sẽ giúp loại bỏ chất nhầy, đờm và các tác nhân gây viêm nhiễm vòm họng. Bên cạnh đó, loại lá này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn.

Chăm sóc da

Một trong những công dụng phổ biến nhất của tần dày lá là điều trị viêm da hiệu quả. Đó là nhờ sở hữu các hợp chất chống viêm. Từ vết cắn và vết đốt cho đến bệnh chàm và bệnh vẩy nến, tần dày lá đều có thể làm giảm mẩn đỏ và sưng tấy; đồng thời loại bỏ ngứa và kích ứng. Ngoài ra, tinh dầu của tần dày lá giúp tăng cường tái tạo da và kích thích hoạt động của tế bào da.

Vitamin C và A

Hàm lượng cao axit ascorbic được tìm thấy trong tần dày lá giúp nó có tác dụng như một chất tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong khi đó, hàm lượng carotenoid và vitamin A có thể giúp cải thiện thị lực, giảm oxy hóa ở mắt. Thậm chí có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.

Giảm căng thẳng và lo lắng

Trong y học dân gian, tần dày lá được ví như thảo dược, đặc biệt là dưới dạng trà. Uống trà tần dày lá có thể giúp những người bị lo âu cao độ hoặc căng thẳng mãn tính được thư giãn, tĩnh tâm và dễ đi vào giấc ngủ ngon.

Hội chứng ruột kích thích

Tần dày lá còn được sử dụng để làm dịu cơn đau dạ dày. Đặc biệt là làm giảm hội chứng ruột kích thích. Khi đi vào cơ thể, chúng có tác động điều chỉnh tiêu hóa và làm dịu viêm dạ dày. Vì thế, uống trà tần dày lá cũng được coi là một trong những cách hiệu quả để bảo vệ và tăng cường sức khỏe.

Cách trồng tần dày lá

Tần dày lá sở hữu nhiều “quyền năng”, nhưng lại rất dễ trồng. Bạn cần chọn những đầu cành mạnh khỏe. Cắt đoạn khoảng 15cm rồi cắm xuống đất là chúng sẽ phát triển thành cây. Không nên chọn cành non quá hoặc già quá, cây sẽ không phát triển được.

Khi trồng cây, bạn nên cố gắng đặt cây ở nơi có nhiều ánh nắng từ 4 – 5 tiếng vì đây là loại cây ưa nắng.

Tưới nước 2 lần/ngày với một lượng vừa phải, đủ ẩm cho đất. Những ngày đầu cần che nắng để tránh cho cây bị héo.

Khi thu hoạch, bạn chỉ cần ngắt lá hoặc có thể ngắt cả đoạn non phía đầu ngọn để sử dụng.

Ý kiến chuyên gia

Có thể nói, tần dày lá là loại cây đa tác dụng với nhiều lợi ích dành cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng loại thảo dược này. Vì vậy, hãy lắng nghe chia sẻ từ Th.S BS Nguyễn Thị Tuyết Nga – Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Quận 2 để tránh xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Tần dày lá là loại cây điều trị rất nhiều vấn đề cho sức khỏe. Theo bác sĩ Nga, chúng ta cần sử dụng như thế nào để cây có thể mang lại hiệu quả tốt?

Tần dày lá có mùi thơm, tính ấm, vị chua the. Khi vào vùng hầu họng chúng sẽ có công dụng giải cảm, khu phong tà, sát khuẩn, tiêu đàm, khử độc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý những điểm sau để tránh mắc phải các trường hợp không mong muốn:

Toàn cây rau tần dày lá có nhiều lông tơ nhỏ, có thể gây dị ứng, kích ứng da.

Phụ nữ mang thai và cho con bú phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi có ý định sử dụng dược liệu này để điều trị bệnh.

Các bài thuốc trị bệnh từ tần dày lá chỉ hữu hiệu với các triệu chứng bệnh nhẹ. Đối với các trường hợp nặng, người bệnh không được lạm dụng các bài thuốc mà hãy đến gặp bác sĩ.

Xin bác sĩ hãy chia sẻ về các bài thuốc chữa ho và cảm sốt từ tần dày lá.

Để chữa cảm cúm và sốt, bạn hãy sử dụng bài thuốc từ cây tần dày lá và muối. Đầu tiên, bạn giã nát lá rau tần dày lá với muối và vắt lấy nước. Sau đó, lấy phần nước cốt đã vắt pha với ít nước và uống. Bạn uống mỗi ngày 1 lần. Sử dụng đều đặn từ 3 đến 5 ngày, tình trạng bệnh sẽ cải thiện.

Nếu muốn chữa ho, viêm họng và khan tiếng, bạn hãy hái lấy 5 – 10 lá rửa sạch. Sau đó ngâm nước muối và nhai sống 4 – 5 lần/ngày.

Xin cảm ơn Th.S BS Nguyễn Thị Tuyết Nga đã chia sẻ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua