Trồng dưa leo không khó, lại thích hợp để luân canh tăng vụ
Do đó, để lấy ngắn nuôi dài, các mô hình trồng cây ngắn ngày xen canh cây lâu năm được khá nhiều bà con lựa chọn như là giải pháp trước mắt để mang thu nhập cho gia đình.
Mô hình trồng cây dưa leo ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành là một ví dụ tiêu biểu. Tận dụng thời cơ cây cao su rớt giá, thu nhập mang lại chẳng đáng là bao, gia đình chị Hà Thị Yến, ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành đã mạnh dạn thanh lý toàn bộ cao su để chuyển sang trồng bưởi Năm roi với hi vọng sẽ mang lại thu nhập cao hơn. Bưởi đang còn nhỏ, nhìn vườn trống, chị Yến bắt đầu tìm tòi những mô hình cây ngắn ngày để trồng xen canh nhằm lấy ngắn nuôi dài trước khi bưởi cho thu hoạch.
Theo chị Yến, do trước đây đã từng có thời gian gắn bó với cây dưa leo, hiểu rõ những đặc tính sinh trưởng phát triển nên chị quyết định chọn cây dưa leo để trồng xen trong vườn bưởi mới được khoảng 6 tháng của gia đình. “Mình đã từng làm rồi nên mình suy nghĩ là sẽ thành công hơn mà đất cũng không bị cỏ nữa, khi nào bưởi lớn cho thu hoạch thì mình sẽ phá vườn dưa leo đi để bưởi phát triển”, chị Yến chia sẻ.
Nhiều hộ nông dân nơi đây cho biết, trồng dưa leo không khó mà lại cho thu hoạch nhanh nên rất thích hợp để luân canh tăng vụ. Theo đó, chỉ sau một tháng chăm sóc dưa leo đã có thể cho trái và cho thu hoạch cũng trong vòng một tháng. Tuy nhiên, để dưa leo phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, người trồng phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật về mặt phân bón và đặc biệt là phải tưới nước hợp lý, bởi nhu cầu về nước của cây dưa leo cao nhưng lại không chịu được úng.
Cụ thể, một ngày dưa leo được tưới 2 lần, mùa mưa tưới ít hơn. Khi bắt đầu gieo hạt thường phải xịt thuốc trừ kiến, khi cây ra lá yếm phải xịt thuốc sâu rồi bón phân và dùng các loại thuốc dưỡng bông, dưỡng trái để tăng năng suất của cây. Khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào để đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Hiện giống dưa leo được bà con sử dụng là loại dưa leo An Điền 147 cho trái đẹp và khả năng chống chịu biến đổi thời tiết tốt hơn các loại khác. Trung bình 2ha dưa leo của chị Yến có thể cho thu hoạch mỗi ngày từ 2,5 – 3 tấn và với mức giá khoảng 6.000 đồng/kg như hiện tại, trung bình một lứa dưa leo thu hoạch liên tục trong một tháng được 45 tấn, cho thu nhập khoảng 270 triệu đồng, trừ chi phí gia đình chị Yến thu lãi 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thị trường đầu ra của dưa leo cũng khá ổn định nên rất thích hợp để đầu tư phát triển sản xuất theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Phạm Kim Trọng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đánh giá, đây là mô hình xen canh có điều kiện phát triển ở Bình Phước vì có những điều kiện tự nhiên như đất đai, khí hậu rất phù hợp.
Cũng theo ông Trọng, trong thời gian qua, Hội Nông dân Bình Phước cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn kỹ thuật cho bà con để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, đối với những hộ nông dân còn thiếu vốn, Hội cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ bằng nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Thực tế cho thấy, những mô hình trồng cây ngắn ngày như trên rất thích hợp trong điều kiện để bà con nông dân chuyển đối cơ cấu cây trồng, lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, người dân cũng cần chú ý đến việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, có cơ cấu mùa vụ hợp lý nhằm nâng cao sản lượng cây trồng và tránh bị tình trạng mất mùa, ép giá.
Nguồn TTXVN / Tiếp Thị Gia Đình