Con của những bà mẹ ăn nhiều cá khi mang thai, cụ thể là hơn 3 bữa/ tuần, có nguy cơ mắc bệnh béo phì trong những năm đầu đời cao hơn so với những đứa trẻ có mẹ ăn ít cá trong thai kì. Đây là cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) số ra ngày 15−2.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học thuộc Đại học Crete đã tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 26.000 cặp mẹ con ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, gồm lượng cá mà người mẹ ăn mỗi tuần trong thai kỳ và tình trạng sức khỏe của con từ lúc còn trong bào thai tới khi 6 tuổi. Các bà mẹ tham gia nghiên cứu ăn từ 0,5 − 4,45 bữa cá/ tuần khi mang thai, so với 3 bữa/ tuần theo khuyến cáo của các bác sỹ.
Kết quả cho thấy, những đứa trẻ có mẹ ăn nhiều hơn 3 bữa cá mỗi tuần trong thai kỳ có nguy cơ mắc chứng thừa cân, béo phì trong 2 năm đầu đời và sau đó là ở các mốc 4 và 6 tuổi cao hơn so với những trẻ có mẹ ít ăn cá. Ngoài ra, việc mẹ ăn nhiều cá khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ nhiễm các hóa chất độc hại thường có trong cá, đặc biệt là thủy ngân và các hóa chất này có thể truyền từ mẹ sang con, gây biến chứng cho thai nhi.
Bác sỹ Leda Chatzi, trưởng nhóm nghiên cứu trên, nêu rõ tác hại của việc mẹ ăn nhiều cá khi mang thai ảnh hưởng đến sức khỏe của bé gái nhiều hơn bé trai.