Trước đó, vào sáng 5−5, bé T.T.H, hơn 2 tháng tuổi ở huyện Thường Tín, Hà Nội, được tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem mũi đầu tại trạm y tế xã. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, bé bắt đầu có biểu hiện bị phản ứng phụ sau tiêm như bị sốt, ho khan và ho. Những biểu hiện này càng nặng dần vào sáng hôm sau (6−5) và đến chiều cùng ngày, bé được chuyển đến bệnh viện Xanh Pôn. Bé đã tử vong sau khi đến bệnh viện.
Chiều 9−5, Sở Y tế đã có báo cáo về nguyên nhân ban đầu về việc trẻ chết sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 là do sốc phản vệ trên cơ địa mắc bệnh cơ tim giãn. Cùng thời điểm em bé gặp tai biến, một trẻ ở Q. Ba Đình cũng bị sốc phản vệ sau khi tiêm Quinvaxem và được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Xanh Pôn.
Vụ việc trẻ chết sau khi tiêm văc xin 5 trong 1 là ca tử vong thứ 2 sau khi tiêm Quinvaxem trong vòng 3 năm qua tại Hà Nội.
Vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 là gì?
Vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 có thể ngừa được 5 bệnh (bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, vi khuẩn Hib), trừ bại liệt. Tuy nhiên, khi đến tiêm vắc xin này, trẻ sẽ được bổ sung viên uống ngừa bại liệt. Ưu điểm của vắc xin Quinvaxem là: Có giá thành rẻ, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ nên người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, đây là vắc xin bất hoạt cho nên sẽ kích thích miễn dịch tốt hơn các loại vắc xin khác (các loại vắc xin vô bào).
Vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 dành cho cho bé từ 6 tuần tuổi đến trước 5 tuổi. Trước một tuổi, trẻ nên được chích ngừa vắc xin Quinvaxem 3 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 tháng. Khi được 1 tuổi, trẻ nên được chích mũi chích thứ 4, vào khoảng 13 tháng, trễ nhất là 24 tháng.
Có nên tiêm vắc xin Quinvaxem không?
Trong những năm gần đây, các vụ tai biến ở trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, như vụ việc trẻ chết sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 xảy ra mới đây gây nhiều hoang mang, lo lắng trong dư luận. Vì lo ngại những biến chứng này nên nhiều gia đình đã trì hoãn hoặc từ chối không đưa con em mình đi tiêm chủng, khiến cho nguy cơ mắc dịch bệnh ở trẻ ngày càng tăng.
Trên thực tế, vắc xin Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng vào năm 2006. Các trường hợp trẻ bị tai biến và tử vong sau tiêm chủ yếu là do trùng hợp với các bệnh lý khác. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định, Quinvaxem là vắc xin cần thiết để phòng chống các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở trẻ em. Do có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên vắc xin này tạo miễn dịch phòng bệnh tốt hơn. Theo kết quả tiền thẩm định của WHO, Quinvaxem là vắc xin an toàn hiệu quả, có chất lượng tốt và chi phí hợp lý.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần lưu ý thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán Bộ Y tế và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không chậm trễ.
Bài: K. Huyền
Tiếp Thị Gia Đình