Trẻ bại não và những điều cha mẹ cần biết

Bạn nghĩ gì khi nghe rằng con của anh A, chị B bị bệnh bại não? Có thể, bạn chưa hiểu tường tận về căn bệnh này nhưng hai chữ bại não có phải đã dập tắt nhiều hy vọng?

Vào năm 2014, bệnh nhi Bùi Duy N. (13 tháng tuổi, ở Thanh Hóa) đã trở thành trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được ghép tế bào gốc điều trị bệnh bại não.

Trước đó, N. khỏe mạnh, sau khi được chữa khỏi bệnh nhiễm trùng huyết, em mắc di chứng bại não. Bé không thực hiện được những giao tiếp thông thường, không ngồi và bò được, người thường cứng lên, xoắn vặn gây khó thở, khó ăn, khó ngủ, mệt mỏi. Ngày 10–3–2014, bé nhập viện Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec. Khi điều trị, các bác sỹ đã phẫu thuật ghép tế bào gốc trị chứng bại não cho N.

Đối với trẻ bại não ở Việt Nam, đây là trường hợp đầu tiên được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc. Tuy đã có hướng điều trị mới song bại não vẫn là bệnh gây ám ảnh cho các gia đình.

Bệnh bại não là gì?

Bại não thường gồm một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương của một hoặc nhiều vùng ở não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi hoặc sau sinh một thời gian ngắn. Trẻ bị bệnh thường khó cầm nắm, bò hoặc bước đi và không tiến triển khi trẻ lớn lên. Bệnh không lây. Hầu hết trẻ bại não được sinh non tháng hoặc thiếu ô-xy trong lúc sinh, làm tổn thương các mô não liên quan trong kiểm soát vận động. Trẻ bại não cũng có các biểu hiện khác như: chậm phát triển tâm thần, co giật và rối loạn thị giác.

Hiểu rõ hơn về bệnh bại não

Bệnh bại não có nhiều nguyên nhân. Bại não bẩm sinh do các tổn thương não xảy ra khi thai nhi còn nằm trong tử cung hoặc trong khi sinh (chiếm 70%). Ở Mỹ có khoảng 10% trẻ bị bại não sau khi sinh. Các tổn thương não xảy ra ở trẻ trước 5 tuổi, sau các nhiễm khuẩn thần kinh hay chấn thương sọ não.

Các nguyên nhân gây ra trẻ bại não thường là

√ Nhau thai bất thường, không cung cấp đủ ô-xy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.

√ Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.

√ Mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm trong thai kỳ đầu.

√ Trẻ sinh thiếu tháng hoặc nhẹ cân.

√ Thiếu ô-xy kéo dài trong khi sinh hoặc vàng da nặng sau sinh.

Dấu hiệu sớm của trẻ bại não

√ Các dấu hiệu sớm của trẻ bại não thường khởi đầu trước khi bé 18 tháng tuổi. Trẻ không phát triển được kỹ năng vận động bình thường, chậm lẫy, chậm bò, chậm biết đi so với mốc phát triển bình thường.

√ Trẻ bị giảm trương lực cơ: chi mềm nhũn, buông thõng, hoặc tăng trương lực cơ: trẻ cứng đờ hoặc vận động cứng nhắc.

Dấu hiệu lâm sàng

√ Thể co cứng (chiếm 70–80% các trường hợp): Các cơ thường co cứng, đặc biệt co cứng 2 chân hoặc nửa người.

√ Thể loạn trương lực (chiếm 10–20% các trường hợp): Có những vận động bất thường ở 2 chân và 2 tay. Mặt nhăn nhó, nói khó, chảy nước dãi. Các vận động bất thường này mất khi đi ngủ. Trẻ lớn sẽ có biểu hiện viết chậm, không kiểm soát được động tác.

√ Thể thất điều (chiếm 5–10% các trường hợp): Bước đi khó khăn, loạng choạng, khó thực hiện động tác chính xác và run tay, run chân.

Ảnh hưởng

√ Tùy theo vùng não bị tổn thương mà trên lâm sàng biểu hiện các triệu chứng đa dạng: co cứng gấp, nuốt khó, nói khó, rối loạn tư thế hoặc vận động. Có thể rối loạn chức năng các giác quan: điếc, giảm thị lực, khứu giác. Đôi khi co giật, chậm phát triển tâm thần, bất thường về hô hấp, rối loạn tiêu tiểu, mất khả năng học tập.

Vấn đề điều trị trẻ bại não

√ Trẻ cần được chăm sóc phối hợp với sự kết hợp của bác sỹ điều trị, nhân viên vật lý trị liệu, giáo viên, nhân viên công tác xã hội. Điều trị bằng nội khoa, phẫu thuật và phục hồi chức năng giúp cải thiện sự phối hợp động tác cơ và dây thần kinh, phòng ngừa hoặc làm giảm tối thiểu các rối loạn chức năng. Đặc biệt, hiện nay, việc ghép tế bào gốc đã mở ra một hướng điều trị mới. Trẻ bại não cần được quan tâm và tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng tối đa.

√ Có nhiều biện pháp phòng bệnh bại não trước khi sinh. Bà mẹ cần được theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ. Xét nghiệm yếu tố Rh, dự phòng hậu quả của bất đồng nhóm máu. Nếu có bất đồng nhóm máu, trẻ phải được thay máu hoặc điều trị vàng da ngay từ những ngày đầu sau sinh. Các bà mẹ cần được phát hiện và điều trị các bệnh mạn tính, các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục–tiết niệu, tiêm phòng bệnh

√ Rubella trước khi mang thai. Tránh tiếp xúc tia phóng xạ, dùng thuốc và các chất kích thích trong quá trình thai nghén. Người mẹ phải khỏe mạnh trước lúc thụ thai, chăm sóc trước sinh tốt, chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tránh đẻ non tháng, thấp cân. Bảo vệ trẻ không bị các bệnh nhiễm trùng và chấn thương sọ não.

Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Phòng khám đa khoa Thừa Thiên Huế
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua