Hiện nay, nước ta cấm các hành vi nuôi trồng, buôn bán tôm hùm đất (crawfish). Lý do là chúng gây hại cho môi trường, không thua kém gì loài ốc bươu vàng trước đây. Thực hư việc tôm hùm đất gây hại; phá vỡ hệ sinh thái nông nghiệp của Việt Nam là thế nào? Cùng tìm hiểu!
Vì sao lại hot?
Tôm hùm đất có mặt tại Việt Nam từ năm 2002. Nhưng vài năm gần đây mới trở thành cơn sốt. Theo lời những “tín đồ” của món ăn này, chúng có hương vị đậm đà; thịt không nhiều nhưng chắc và ngọt. Nước sốt đi kèm thường là sốt cajun cay cay, sốt bơ tỏi, cam, chanh… hợp vị Việt Nam. Tôm hùm đất sau khi qua chế biến có màu sắc đỏ au, nhìn rất bắt mắt và ngon miệng.
Ngon, dinh dưỡng mà giá tôm hùm đất rao bán cũng khá… bèo. Giờ đây, chỉ với từ khoảng từ 200.000 đồng, bạn đã có cả kg để tha hồ chế biến cho hợp khẩu vị.
Theo khảo sát của TTGĐ, tôm thông thường ngoài chợ có giá từ 180.000 đồng. Nhiều bà nội trợ vì thế chả tiếc gì thêm vài chục ngàn để vừa được ăn ngon, đủ dinh dưỡng; theo kịp xu hướng lại vừa có hình đăng Facebook “sống ảo”!
Thị trường tôm hùm đất hiện tại khá sôi động. Người bán cung cấp loại đông lạnh đến cả loại còn “nhảy tanh tách”. Dù muốn loại to, loại nhỏ, loại nào cũng sẵn hàng; chỉ khác nhau về giá tiền. Kèm với các mẩu quảng cáo là hình ảnh, clip những chú tôm sống khỏe mạnh, tươi rói khiến người xem nhìn là muốn thử.
Sinh vật nguy hiểm?
Tôm hùm đất còn gọi tên khác là tôm càng đỏ, với tên khoa học là Cherax quadricarinatus. Đây là sinh vật ngoại lai, thường được nhập về Việt Nam từ Mỹ, Trung Quốc. Mỗi năm, ước tính tôm hùm đất mang lại lợi nhuận 40 tỷ USD cho Trung Quốc. Còn ở Mỹ, bạn có thể tìm được món ăn này ở bất cứ bang nào, đặc biệt là ở Louisiana.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai nguy hại. Chúng bị cấm nhập khẩu và phát triển ở Việt Nam. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này vi phạm Luật đa dạng sinh học 2018. Tôm hùm đất được nuôi ở nhiều nơi trên thế giới. Trước đây, Việt Nam cũng từng nuôi thử nghiệm nhưng sau đó xác định đây là loài ngoại lai nguy hại nên đã không nhân giống phát triển.
Lý do không nhân giống tôm hùm đất là vì sức tàn phá của chúng. Đây là loại ăn tạp, chúng ăn cả động vật sống, động vật chết và cả thực vật. Đôi càng mạnh mẽ của chúng có thể cắt bay thân cây lúa, ảnh hưởng tới mùa màng.
Sức ăn của tôm hùm đất có thể nuốt cả tôm, cá nhỏ. Cùng với khả năng di chuyển rất nhanh dưới đáy ao, hồ, sông, suối. Nếu tồn tại trong môi trường này, tôm hùm đất thừa mạnh mẽ để “chiếm” nguồn thức ăn; tiêu diệt các động vật khác. Từ đó, chúng làm ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học.
Tôm hùm đất còn rất thích đào hang sâu để trú ẩn nhằm lẩn trốn kẻ thù. Điều này có thể gây xói mòn hoặc làm hỏng nền đất. Khả năng sinh sản và tuổi thọ của tôm hùm đất xếp vào hàng “oanh liệt”. Chúng có sức chống chịu mạnh mẽ trước các biến động môi trường. Khi sống trong môi trường tự nhiên thuận lợi, tuổi thọ của tôm hùm đất có thể lên tới 30 năm.
Bài học ốc bươu vàng còn đó
Cuộc đổ bộ của tôm hùm đất gợi nhớ đến ốc bươu vàng từng là thảm họa của nền nông nghiệp nước ta. Vào thời điểm đó, ốc bươu vàng được lan truyền là một giống ốc ăn ngon, sinh sôi nảy nở nhanh; năng suất cao và nhà nhà đua nhau đào ao nuôi ốc bươu vàng. Cuối cùng, chúng là đại họa của lúa non. Do sức sống và sức tàn phá mãnh liệt, nếu tôm hùm đất phát tán và phát triển vào ruộng đồng Việt Nam, thảm họa nó gây ra còn ghê gớm hơn cả ốc bươu vàng.
Tôm hùm đất là nguy cơ lớn của cây lúa. Việt Nam là nước trồng lúa, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cây lúa bị “xâm hại” sẽ ảnh hưởng nặng nề tới an sinh xã hội, cuộc sống người dân. Tôm hùm đất cũng là nguồn mầm bệnh nấm tôm. Khi phát tán trong các đầm nuôi tôm, nó có thể gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm.
Trung Quốc đang rất đau đầu với tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang. Chúng ta không thể để thảm họa này xảy ra với nền nông nghiệp và môi trường của nước nhà. Trước cuộc đổ bộ của tôm hùm đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tôm hùm đất. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, cơ quan chức năng phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt tôm hùm đất theo quy định.
Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, cuộc chiến này không phải là cuộc chiến riêng của cơ quan chức năng. Đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Khi phát hiện hành vi buôn bán, nuôi tôm hùm đất, bạn cần báo ngay với ủy ban cấp xã gần nhất để kịp thời ngăn chặn. Ngừng tiêu thụ, quảng bá tôm hùm đất tươi sống cũng là việc làm thiết thực để ngăn chặn kẻ ngoại lai nguy hiểm này.
Nước ta cấm nhập khẩu, buôn bán tôm hùm đất (Crawfish)
Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1–5 năm. Ý thức được sự nguy hiểm của tôm hùm đất, bạn không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học mà chúng ta cần giữ cho thế hệ cháu con. Sang miệng mà hại môi trường, hãy nghĩ đến điều này khi bạn có ý định “order” tôm hùm đất từ bất cứ nguồn nào!
Tiếp Thị Gia Đình