Trào lưu đi chợ chung của dân công sở

Trước tình trạng thực phẩm ô nhiễm ngày càng phức tạp, các chị em công sở đang rộ lên trào lưu đi chợ chung, đặt mua nông sản sạch từ các vùng quê, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo an toàn cho gia đình

DÂN CÔNG SỞ LẬP NHÓM ĐI CHỢ CHUNG

Sau chuyến về thăm quê ngoại cuối năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lĩnh, phố Kim Ngưu, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội, tay xách nách mang đủ thứ rau củ lên phố. Rau quê không quá xanh tốt, bắp cải thì cuộn chắc, lá hơi xoăn lại. Song, món ăn chế biến từ những loại rau này luôn có hương vị thanh khiết, ngon ngọt hơn khiến chị Lĩnh rất yên tâm. Chị chia sẻ điều đó với vài người bạn, ai cũng chung tâm trạng “đau đầu vì tìm rau sạch”. Chị bèn nảy ra ý rủ mấy bà nội trợ cùng đặt mua rau hàng tại quê với số lượng lớn cho gia đình, bạn bè và người thân.

di cho chung hinh anh 02Rất nhanh chóng, một nhóm khoảng chục bà nội trợ đi chợ chung được lập ra, chị Lĩnh làm nhiệm vụ liên hệ, đặt mua rau với chủ vườn. Cuối tuần, từ 4 giờ sáng, rau được chuyển lên xe khách, đến 7 giờ, vợ chồng chị Lĩnh ra bến xe nhận hai tải rau, đem về nhà để bạn bè đến lấy hoặc tiện đường đi giao cho mọi người. Phí vận chuyển rau theo xe là 30.000 đồng, lại phải ra bến xe lấy rau nhưng ai cũng vui vẻ.

“Đặt mua rau ở quê ít quá không bõ công vận chuyển, kêu gọi được một hội các bà nội trợ ở cùng khu vực chung mua mình thấy hào hứng hơn rất nhiều. Tết này, mình chỉ việc ra bến xe lấy rau thịt quê gửi lên mà không phải nhọc công chọn lựa thực phẩm như Tết năm ngoái”, chị Lĩnh chia sẻ.

Trong một lần ngồi bàn kế hoạch chi tiêu Tết với mấy chị em cùng cơ quan, chị Nguyễn Thị Phương, phố Xã Đàn, Q. Đống Đa, Hà Nội, đã kêu gọi được một nhóm khoảng mười bà nội trợ cùng mua sắm chung thực phẩm Tết. Cả nhóm lên danh sách những thứ cần thiết để mua chung và mỗi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm địa chỉ vừa bán giá rẻ vừa đáng tin cậy.

“Trong nhóm chơi của mình, có người tự làm miến sạch, có người buôn bán giò chả. Tiện cả đôi đàng, chúng mình vừa được mua hàng sớm, giá phải chăng mà lại biết rõ nguồn gốc xuất xứ”, chị Phương lý giải.

Chẳng hạn như mặt hàng miến sạch, đặt trên 10kg giá 52.000 đồng/kg, còn trên 20kg giá 50.000 đồng/kg. Gộp lại mua với số lượng lớn mỗi người giảm chi phí được 10–20% so với mua lẻ.

di cho chung hinh anh 03Chị Phương cũng đang kêu gọi trên diễn đàn để tìm thêm người kết nạp vào hội đi chợ chung. “Đến gần Tết, bọn mình sẽ tính toán thêm việc mua chung thịt, giò, chả, bánh chưng… Nếu mọi người cùng nhau mua thì giá rẻ hơn nhiều”, chị Phương cho hay. Trước nỗi lo chung về an toàn thực phẩm, nhiều chị em lại được dịp trổ tài nội trợ để kiếm thêm thu nhập ngày Tết. Chị Trịnh Thanh Hương, ở 42 Hàng Cháo, Q. Đống Đa, Hà Nội, vốn là dân văn phòng, đã mạnh dạn mở chương trình bán giò sạch dịp Tết. Giò chả nhà chị tự làm, mua từ 10kg được giảm giá 5%, từ 20kg được giảm giá 8%. “Chỉ cần 2–3 người mua chung là được giảm giá, tặng quà rồi”, chị Hương cho biết.

RỦ NHAU TRỒNG RAU NUÔI NHÀ

Trước Tết Nguyên Đán khoảng bốn tháng, chị Thùy Linh, ngụ tại phố Lò Sũ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã rủ một nhóm bà nội trợ cùng đầu tư trồng rau tại mảnh đất rộng 180m2 của nhà chị ở ngoại thành.

di cho chung hinh anh 05“Mình đã rào vườn, đổ đất, tạo luống sẵn. Nhà mình có một cô người làm vốn xuất thân là nông dân, có tay nghề trồng trọt, rất cẩn thận, sạch sẽ và chịu khó. Cô đã làm cho nhà mình 6–7 năm và đồng ý giúp mình chăm sóc vườn rau. Vì thế, mình quyết định rủ các mẹ cùng góp vốn thực hiện dự án vườn rau mini này”, chị Linh khoe.

Chi phí cho vườn rau tốn khoảng bốn triệu đồng trả lương cho cô người làm cộng với tiền hạt giống, điện nước. Tính ra, mỗi nhà chỉ bỏ ra dưới một triệu đồng là có rau sạch ăn thỏa thích.

“Nhóm mình dự định sẽ ngăn ra một khoảnh làm chuồng gà rồi chung vốn mua khoảng hai chục chú gà bé xinh nuôi lớn, mỗi nhà lại được con gà, quả trứng sạch. Có rau sạch để ăn, thỉnh thoảng cuối tuần, các mẹ còn có thể cho các bé đi dã ngoại hái rau tại vườn để bé có thêm hiểu biết về các loại cây trồng, đó là điều khiến mình tâm đắc hơn cả”, chị Linh hào hứng.

di cho chung hinh anh 04Muốn làm nhà nông trên phố bằng việc trồng rau tại gia hoặc cùng đầu tư chăm bẵm một mảnh vườn, nuôi một đàn gà để ăn Tết không phải là điều dễ dàng khi mà cuối năm ai cũng bộn bề công việc. Song, yêu cầu về một cái Tết không chỉ có thức ăn ngon mà còn sạch đã khiến nhiều bà nội trợ đổ thêm nhiều công sức. Thành quả ngọt ngào nhất mà họ nhận được là cả nhà được yên tâm ăn uống dịp Tết. Quan trọng hơn là với sự tận tụy trong cách chuẩn bị Tết ấy, chị em đã gián tiếp dạy con cái biết yêu lao động, hiểu được sự vất vả một nắng, hai sương của những người nông dân và thêm trân trọng cuộc sống.

THU HÀ

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua