Lần tái bản Truyện Thúy Kiều này nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du
Ấn bản Truyện Thúy Kiều do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo được Công ty Cổ phần văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (3−1−1766 đến 3−1−2016). Lần tái bản Truyện Thúy Kiều này có bổ sung thêm một số phụ bản tranh minh họa lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị − Huế xuất bản năm 1942.
Bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều là bức tranh trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du của cụ Lê Văn Đệ. Tác phẩm vẽ theo phong cách như tranh khắc, khỏe khoắn, minh họa cho câu thơ Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm.
Tuy nhiên, sau khi bức ảnh bìa tác phẩm đăng tải trên mạng, nhiều độc giả đã lên tiếng phản đối vì cho rằng ảnh bìa trong lần tái bản này phản cảm, dung tục, không xứng tầm với tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du.
Sau khi nhận được ý kiến của độc giả, ông Dương Thanh Hoài, Phó Giám đốc Nhã Nam phản hồi: “Chúng tôi phải nói rằng họa sỹ thiết kế cũng đã rất thận trọng với bìa sách, cho nên còn đẩy việc gián cách, ước lệ lên một mức nữa: hình Thúy Kiều trong bức vẽ còn được tạo hiệu ứng “tráng kim”, như là phủ một lớp bụi vàng lên người vậy. Chúng tôi tin rằng khi mọi người cầm sách cụ thể trên tay sẽ thấy rõ điều đó và thấy là một cái bìa đẹp và hợp lý”.
Ấn bản Truyện Thúy Kiều được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925, tái bản 1927 sau khi hiệu đính chi tiết. Sau khi được Vĩnh Hưng Long thư quán in hai lần, Truyện Thúy Kiều tiếp tục được một số nhà xuất bản tái bản rộng rãi. Trong số các bản Kiều quốc ngữ, bản Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo đã được công nhận là một trong bản được phổ biến sâu rộng nhất trong một thế kỷ nay.
Tiếp Thị Gia Đình