Trang Trịnh: Nhạc trưởng của dàn hợp xướng kỳ diệu

Dự án do vợ chồng Trang Trịnh và nghệ sỹ opera Hàn Quốc, Park Sung Min thực hiện, mang đến nhiều hy vọng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn

Trang Trịnh trong lớp dạy nhạc cho các em khó khăn

Cứ đúng 13 giờ Chủ nhật hàng tuần, chiếc xe buýt “kỳ diệu” lại đưa hàng chục em nhỏ từ các trung tâm bảo trợ xã hội đến lớp học âm nhạc tại trường Quốc tế Hàn Quốc (đường Lê Đức Thọ nối dài, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Lớp học bắt đầu với những bài hát vui nhộn. Ở một góc lớp, khoảng chục em nhỏ cùng tập đàn violin. Bên ngoài cửa sổ, nắng vàng tràn ngập.

Chạm vào giấc mơ

Vừa nhìn các em tập luyện, Trang Trịnh vừa kể: “Năm 2007, tôi được xem các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến từ Venezuela biểu diễn trong một dàn hợp xướng ở Anh. Giây phút đó, tôi cảm giác đã tìm được ước mơ của mình. Nhìn thấy sự tác động tích cực của âm nhạc lên cuộc sống những đứa trẻ thiệt thòi, tôi ước mình có thể đem dự án này về Việt Nam. Tôi thổ lộ ý nghĩ đó với anh Park Sung Min, không ngờ anh nói: “Mình sẽ cùng nhau thực hiện”.

Nhiều người cho rằng âm nhạc cổ điển là thứ xa xỉ, không hợp với các em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng tôi nghĩ, những đứa trẻ này rồi sẽ như chú chim nhỏ sẽ bay vào đời. Khi đó, món quà lớn nhất người lớn có thể cho chúng là đôi cánh tự lập, sự tự tin và niềm hy vọng. Tôi tin âm nhạc sẽ đem lại sức mạnh tinh thần cho các em. Mục đích của lớp học này không phải là đào tạo những nghệ sỹ mà dạy cho các em cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống, dám mơ ước, hy vọng, biết hòa hợp với nhau như một gia đình.

Anh Park từng nói: “Các em thường nhận được quà của người đến thăm. Nhưng ở dự án này, chúng tôi muốn các em cho đi, để các em nhận ra mình cũng có giá trị. Đó là liều thuốc tinh thần rất tốt để các em vượt qua khó khăn trong cuộc sống sau này”. Mất một thời gian thuyết phục và tuyển chọn, buổi học âm nhạc đầu tiên được khai giảng vào ngày 24–11–2013. Tôi nhận nhiệm vụ dạy các em cảm thụ âm nhạc, còn anh Park định hướng giáo án và giúp các em luyện giọng.

Gieo yêu thương trên phím đàn

Các em không tập nhạc một mình mà tập theo nhóm. Dàn hợp xướng là nơi giúp các em học cách lắng nghe, chăm sóc nhau và chịu trách nhiệm phần hát của mình. Sau giờ nghỉ giải lao, tất cả tham gia một hoạt động thú vị là nghe nhạc kết hợp vẽ tranh. Một đoạn nhạc được cất lên và các bạn nhỏ tự do vẽ ra những điều mình tưởng tượng. Em thì vẽ rừng núi, ông mặt trời, có em vẽ ngay người bạn thân.

Trong lớp, tôi ấn tượng nhất là cậu bé Sùng A Lự. Từ một cậu bé dân tộc người H’Mông, từng phải sống trong hang đá cùng bố, Lự giờ được bầu làm lớp trưởng. Có lần Lự hát chệch tông khiến cả bài bị hỏng trong một buổi biểu diễn.

Sau đó, Lự tự nhận mình hát chưa tốt. Tôi thử thách bằng việc ra một bài tập rất khó và cánh tay đầu tiên giơ lên chính là của Lự. Cả phòng cùng vỗ tay trước sự dũng cảm và tự sửa sai của em. Từ chỗ lầm lì, tự ti, các em đã có thể biểu diễn trên sân khấu lớn và quan trọng là học được lòng vị tha, yêu thương nhau. Mỗi buổi đến lớp, nụ cười luôn nở trên gương mặt các em. Tất cả đều mong đến buổi học sau, để cô trò thủ thỉ với nhau những câu chuyện về âm nhạc và những ước vọng đẹp.

20150609_guongthanhcong_trangtrinh_1

Vợ chồng Trang Trịnh và Park Sung Min với các em nhỏ trong lớp học

THÔNG TIN THÊM

Dự án Dàn hợp xướng kỳ diệu dựa theo mô hình El Sistema, khởi xướng tại Venezuela từ những năm 1970 và đã được các nước Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Úc, Canada áp dụng. Hiện tại, dàn hợp xướng đã có 50 em nhỏ tham gia, các em từng biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn ở Hà Nội.

Dàn hợp xướng kỳ diệu – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua