Ảnh trên cùng: Chị Trần Thu Trang đến thăm các bé ở khoa Nhi, Bệnh viện K3 Tân Triều. Ảnh ở dưới bên trái: Chị Trang và đội tình nguyện “Mẹ yêu con”
Năm ấy, tôi cùng bạn bè đến cô nhi viện Thánh An Bùi Chu (Nam Định). Lần đầu tiên bế trên tay đứa trẻ mới một tháng tuổi bị bố mẹ bỏ rơi, mắt tôi cay cay. Có lẽ, sự thiếu thốn tình thương khiến những đứa trẻ ở đây lúc nào cũng buồn buồn. Ánh mắt đáng thương ấy đã dậy lên trong tôi suy nghĩ sẽ làm gì đó để bù đắp cho các em.
TẤM LÒNG THƯƠNG CẢM DÀNH CHO TRẺ
Cuộc đời tôi gắn với hành trình từ thiện từ đó. Tôi đến Viện Bỏng, Viện Phong, Viện Nhi rồi Viện Huyết học truyền máu Trung ương… nơi nào cũng có những hoàn cảnh đáng thương.
Tôi nhớ đến bé Phạm Đức Phú, sinh năm 2011, quê ở Hưng Yên. Tôi gặp Phú trong chương trình Trung thu cho em ở hội trường Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Hình ảnh ông bố lặng lẽ bế con về phòng trong cái dáng thất thểu cứ ám ảnh tôi. Phú mắc tiểu cầu suy tủy do biến chứng từ bệnh tiểu cầu vô căn. Chi phí điều trị cho em lên tới 800 triệu đồng, nếu được bảo hiểm chi trả thì còn 200 triệu đồng. Đó là số tiền quá lớn, bản thân tôi còn sợ sẽ không giúp nổi em.
Mẹ Phú lúc ấy đang mang thai đứa thứ hai. Chị gầy rộc. Khi gặp tôi, nước mắt chực trào, chị kể: “Con nhà em đi viện triền miên lại hay xuất huyết nên ở quê mọi người xa lánh. Chồng em bị bệnh nên không đủ sức lao động, ông bà thì già cả, mình em làm công nhân nuôi cả gia đình. Giờ em không biết làm thế nào để cứu con”. Nói đến đây, mẹ Phú òa khóc. Phú còn bé mà phải dùng nhiều hóa chất, tác dụng phụ của thuốc khiến khắp người bé mọc đầy lông lá và các nốt bầm tím. Tôi đã viết hết những suy nghĩ của mình lên Facebook cá nhân và điều bất ngờ là mọi người nhiệt tình giúp đỡ cháu, còn động viên tôi cố gắng. Số tiền ủng hộ nhiều lên từng ngày. Hiện giờ, tôi đã quyên góp được 180 triệu đồng và chờ mẹ cháu sinh để ghép tủy cho Phú.
CHỒNG LÀ CHỖ DỰA
Nhiều người nói tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, có người nghĩ tôi làm từ thiện vì lợi ích, vì tiếng tăm. Tôi thấy buồn và thất vọng, có lúc nghĩ không thể tiếp tục nữa. Thế nhưng, những lúc tôi suy sụp, ông xã luôn ở bên cạnh động viên, hỗ trợ. Anh bảo: “Từ thiện là công việc không dễ và không phải ai cũng làm được. Anh và con luôn tự hào về em”.
Hôm nhận được điện thoại em gái ở Hòa Bình gọi xuống báo: “Chị nhớ bé Hà không, hôm nay bé được về với gia đình mới rồi đấy”. Cảm giác của tôi lúc đó rất lạ. Một thiên thần nhỏ bị bỏ rơi đã có nơi che chở, yêu thương, chẳng còn hạnh phúc nào hơn.
Bé Hà sinh non ở Bệnh viện Hòa Bình. Lúc bị mẹ bỏ rơi, bé sống ở bệnh viện. Các mẹ đã chung tay gửi sữa, bỉm và cả quần áo cho bé. Bé Hà được hơn một tháng thì trung tâm bảo trợ xã hội đón về. Chúng tôi đã giúp một gia đình hiếm muộn ở Thái Bình nhận nuôi bé. Họ không giàu nhưng tôi tin họ sẽ dành tình yêu thương cho bé trọn vẹn nhất.
Dù khó khăn nhưng tôi biết những điều ấy đâu bằng một phần của những số phận bất hạnh trong xã hội. Tôi thấy yêu công việc mình đang làm, thấy hạnh phúc khi mang lại niềm vui, mang lại sự sống cho những mầm xanh bất hạnh. Có chồng, con hiểu và sẻ chia, tôi nghĩ không có rào cản nào là không thể vượt qua.
Ghi theo lời kể của chị Trần Thu Trang
Mục Câu chuyện và con người/Tiếp Thị Gia Đình