Qua các vở vũ kịch nổi tiếng như Kẹp hạt dẻ (The Nutcracker) của Tchaikovsky, Cô nàng Lọ Lem (Cinderella) của Sergei Prokofiev… cái tên Trần Hoàng Yến đã trở nên quen thuộc với khán giả. Em đã có dịp trải lòng với tôi về hành trình trở thành một soloist.
GIẤC MƠ TRONG ĐỜI VÀ NIỀM VUI BẤT NGỜ
“Tâm hồn trong trẻo của đứa trẻ bốn tuổi nơi tôi đã được nuôi dưỡng bằng những vũ điệu và âm nhạc từ khi chưa biết đến bảng chữ cái. Năm tuổi, mẹ đã hỏi tôi: “Con có muốn trở thành diễn viên múa không?”. Rồi mẹ đưa tôi đến Nhà Thiếu nhi Thành phố để học. Sau năm năm miệt mài tập luyện, tôi vào trường múa thành phố. Từ đó, môn ballet chiếm trọn trái tim tôi.
Song con đường nào cũng đầy chông gai. Nghệ thuật múa đòi hỏi phải có niềm đam mê, sự khao khát và tình yêu cháy bỏng. Mỗi ngày tôi phải tập luyện từ 2–3 giờ. Trước khi biểu diễn một vở mới, tôi phải tập liên tục từ sáng đến chiều hàng tháng trời, cho đến khi nhuần nhuyễn các động tác và cảm xúc nhân vật. May mắn vì không phải là người dễ béo nên tôi không cần ăn kiêng quá nhiều. Những diễn viên khác cần tuân thủ chế độ ăn, kiêng chất béo và tinh bột, tránh việc tăng cân để khi diễn cùng bạn diễn nam không gặp khó khăn trong các động tác nâng đỡ.
Để trở thành một soloist trong môn ballet, mỗi diễn viên phải có sự trải nghiệm, lòng yêu nghề, chấp nhận khổ luyện, đáp ứng được các bài tập khó, biết thể hiện cảm xúc, hóa thân vào từng nhân vật. Và tôi đã lớn dần lên qua từng vở diễn. Rồi một ngày, tim tôi như vỡ òa khi được nhà hát HBSO giao cho vai diễn Cinderella trong vở vũ kịch cùng tên của Sergei Prokofiev. Ở tuổi hai mươi, tôi đã có một vai diễn đáng mơ ước. Niềm vui vừa đến, lòng tôi lại đầy lo âu: “Đây là một vai diễn lớn trong khi mình còn quá trẻ, liệu có làm nổi không?”. Rồi tôi tự nhủ: “Mình sẽ làm được, phải làm được”.
Đêm diễn để đời ấy cũng đến, cái đêm tôi hóa thân vào nàng Cinderella cổ tích. Và khi bước ra sân khấu, tôi đã không còn là mình, tôi là nàng Lọ Lem trong lòng khán giả. Tôi đã là diễn viên ballet chuyên nghiệp và quan trọng hơn tôi là chính mình, đã vượt qua thử thách để sống với đam mê.
MÓN QUÀ TÌNH YÊU
Từ khi gia nhập Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP. HCM (HBSO), tôi luôn được các cô chú, anh chị trong nhà hát quan tâm. Nhớ có lần, vì tập luyện quá hăng say nên tôi bị chấn thương ở lưng. Các anh chị, người đỡ tôi nằm nghỉ, người lấy dầu xoa bóp, người tìm thuốc giảm đau, chườm đá. Mọi người đã ở bên tôi suốt và may mắn đến giờ diễn tôi vẫn có thể bước ra sân khấu.
Vì muốn san sẻ tình yêu dành cho ballet đến những bạn trẻ, tôi thành lập vũ đoàn. Nhờ vậy, tôi quen anh, khi ấy là học trò của mình. Chính ballet đã chắp cánh cho tình yêu, giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, động viên nhau vượt qua thử thách. Anh từng nói sẽ trở thành một soloist để biểu diễn cùng tôi. Điều đó khiến tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc”.
Theo Tiếp Thị Gia Đình