Chắc hẳn bạn còn nhớ chàng trai dễ thương Kristoff trong bộ film hoạt hình Frozen. Nghề của chàng là phu làm nước đá (iceman). Đây là một nghề có thật trong lịch sử; tồn tại và phát triển vào thế kỉ 19 ở bờ Đông nước Mỹ và Na Uy. Vào mùa Đông; những người phu nước đá sẽ cắt băng trên mặt hồ và suối; trữ vào các nhà trữ đá.
Sau đó, nước đá sẽ được chuyển bằng tàu, xe lửa, xe thồ đến khắp mọi nơi trên thế giới. Thuở hoàng kim; ngành nước đá chính là động lực thúc đẩy ngành thực phẩm với thịt gia súc gia cầm, cá, rau quả và trái cây ở Mỹ phát triển.
Sự biến mất của nhiều ngành nghề
Đây là một tình huống kinh doanh lý tưởng theo kiểu tất cả các bên cùng có lợi; tạo ra nhiều công ăn việc làm, lợi nhuận… Cho đến lúc chiếc tủ lạnh đầu tiên xuất hiện; năm 1834! Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ; ngành nước đá với lao động chính bằng sức người của phu nước đá dần biến mất. Chiếc tủ lạnh xuất hiện đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng: Không phụ thuộc vào mùa, không phải đi mua và vận chuyển cồng kềnh (sản xuất ngay trong nhà mình)…
Chiếc tủ lạnh thay thế cho ngành sản xuất nước đá truyền thống là điều hiển nhiên; vì bản thân phát minh này tạo ra giá trị lớn cho tất cả các bên liên quan; (dĩ nhiên, trừ những người làm nước đá truyền thống như chàng Kristoff). Đây là bản chất của sáng tạo: Việc tạo ra cái mới, có giá trị hơn luôn bao gồm việc hủy diệt cái cũ không còn hợp thời và không tạo ra giá trị cao.
Tương tự cho taxi công nghệ như Uber, Grab và taxi truyền thống. Trận chiến taxi truyền thống và Uber-Grab tại Việt Nam đang vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, thắng bại có lẽ không khó để đoán và tất cả nên cùng tồn tại.
Trận chiến taxi truyền thống và Uber-Grab: Ai là người mất nhiều?
Người có thể mất đầu tiên; rất ngạc nhiên, là các công dân; thông qua lượng thuế mà các hãng taxi đóng cho nhà nước. Các hãng taxi công nghệ hiện đang đóng thuế ít hơn các hãng taxi truyền thống. Người có thể mất thứ hai, chính là cơ quan nhà nước.
Nguy cơ về thất thu thuế là một nguy cơ có thật. Tuy nhiên, về nguyên tắc; khi thị trường phát triển về mặt năng lực; mở ra một phương thức kinh doanh mới thì năng lực quản lý nhà nước cũng phải được nâng lên một bậc để thích ứng với tình hình thực tiễn. Khi cân nhắc được mất giữa nguy cơ thất thu thuế và lợi ích mà taxi công nghệ đem lại cho khách hàng; cần đặt lợi ích của khách hàng làm xuất phát điểm nếu lợi ích đó lớn hơn nguy cơ thiệt hại về thuế.
Vì vậy, trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí và truyền thông; các cơ quan quản lý đã cư xử rất đúng mực khi nói rõ đây là mô hình kinh doanh mới; cần một quy chế riêng. Người mất nhiều nhất là các hãng taxi truyền thống; vốn đã thống lĩnh thị trường trong nhiều năm.
VÀ HỌ CHỌN PHẢN ỨNG NHƯ THẾ NÀO?
Hãy bắt đầu với hình ảnh này: Taxi truyền thống Vinasun dán decal phía sau ngụ ý tố cáo taxi công nghệ không đóng thuế đầy đủ. Trong những tháng vừa qua, các hãng taxi truyền thống liên tục khuấy đảo truyền thông; đánh vào mặt pháp chế của taxi công nghệ. Từ nỗ lực muốn đưa taxi công nghệ phải tuân thủ quy định của taxi truyền thống; đến việc tố cáo các hãng taxi công nghệ không đóng thuế đầy đủ; thậm chí kêu gọi cả lòng yêu nước của người dân bằng cách… đi taxi truyền thống.
Nhìn tổng thể; nó giống như công nhân thời xưa xách búa đi đập máy móc vì máy móc làm họ mất việc. Điều này đi ngược lại với quy trình tiến hóa của kinh tế và công nghệ và đi ngược lại với lợi ích trực tiếp của người đi taxi. Chưa biết kết quả thế nào; nhưng việc chọn cách phản ứng tiêu cực này cho thấy các hãng taxi truyền thống đang lúng túng thực sự trước áp lực ngày càng tăng của một mô hình kinh doanh ưu việt hơn.
Trước khi tìm đến giải pháp; hãy thử xem ở các thị trường khác; trong Trận chiến taxi truyền thống và Uber-Grab; các hãng taxi truyền thống phản ứng như thế nào?
Tại London, Anh Quốc
Nơi được coi là đỉnh cao của nghề taxi là Luân Đôn, Anh. Nhiều người nói rằng lấy giấy phép lái taxi ở đây khó hơn tốt nghiệp đại học. Bạn phải nhớ nằm lòng khoảng 25.000 đường phố và khoảng 100.000 địa điểm khác nhau. Quá trình học có thể mất vài năm và tỉ lệ bỏ cuộc và thi rớt cộng lại là 70%. Taxi Luân Đôn vẫn là niềm kiêu hãnh của người Anh; cho đến khi một công ty Mỹ nộp thuế ở Hà Lan đến; và biến tất cả kiến thức trên trở thành ứng dụng điện thoại.
Đó là Uber!
Trong trận chiến Taxi này, Uber đơn giản hóa mọi thứ. Chỉ trong vài năm; Uber có 40.000 xe vượt xa con số 21.000 taxi truyền thống. Các công ty taxi truyền thống đã gây sức ép lên chính quyền Luân Đôn; từ việc cáo buộc Uber trốn thuế đến các cuộc biểu tình của tài xế taxi truyền thống. Trong diễn biến gần đây nhất; Luân Đôn đã từ chối gia hạn giấy phép đăng kí kinh doanh của Uber; vốn hết hạn vào ngày 30–9.
Lý do là Uber đã không báo cáo hợp lý các vụ việc tội phạm liên quan đến cánh tài xế của mình. Công cụ pháp lý có thể ảnh hưởng mạnh đến quá trình tiến hóa của kinh tế và công nghệ, và yếu tố quan trọng nhất là tính khách quan của cơ quan quản lý.
Singapore phản ứng hay nhất!
Taxi truyền thống của Singapore chọn phản ứng theo một hướng khác; tiêu biểu là ComfortDelGro (hãng này từng xuất hiện ở Việt Nam). Thay vì lao đầu vào các cuộc kiện tụng pháp lý và vận động hành lang; ComfortDelGro nhanh chóng nhận ra các nhược điểm ban đầu của taxi công nghệ; cũng như ưu nhược điểm của mình và bắt tay vào hành động.
Bước đầu tiên để chống lại một đối thủ sáng tạo; chính là… bắt chước họ. ComfortDelGro cho ra đời một ứng dụng gần giống với Uber; cho phép người dùng gọi taxi từ ứng dụng. Điều này sẽ giúp khách hàng đạt được sự tiện lợi bước đầu giống như Uber. Ngoài ra, Uber ở thời kì đầu chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng; thì ComfortDelGro cho phép người dùng trả tiền mặt (COD – cash on delivery); đây là một lợi ích cộng thêm rất lớn nếu biết rằng một trong các trở ngại chính cho taxi công nghệ; thương mại điện tử chính là việc không cho phép thanh toán bằng tiền mặt.
Ngoài ra, Uber thời gian đầu tính cước theo lộ trình đi thực tế; tới lúc xong hành trình người dùng mới biết mình trả bao nhiêu thì ComfortDelgro mở thêm lựa chọn mức giá cố định cho việc đi từ A đến B. Cuối cùng, giờ cao điểm Uber tăng tiền cước; nhẹ thì 1,3 lần, nặng thì 2-3 lần thì ComfortDelGro áp dụng một mức cước cố định không chênh lệch theo thời gian.
Cách mạng và hủy diệt
Các mô hình kinh doanh hiện tại ngày càng trở nên thông minh hơn, và nền kinh tế chia sẻ dựa trên việc sở hữu nền tảng (platform strategy) ngày càng trở nên phổ biến.
– Uber là công ty taxi lớn nhất thế giới lại không sở hữu chiếc taxi nào.
– Airbnb là công ty cung cấp chỗ ở lớn nhất thế giới, lại không sở hữu khách sạn hay nhà nghỉ nào.
Và cả Uber và Airbnb đều đóng thuế cuối cùng ở Hà Lan. Nếu nhìn vào các công ty làm thay đổi bộ mặt thế giới này, bạn sẽ thấy có một vài điểm chung: Đó là mô hình kinh doanh ưu việt. Hiểu đơn giản, đây là sơ đồ của tất cả các bên liên quan được kết nối với nhau bởi 2 dòng chảy: Dòng chảy giá trị (hàng hóa, dịch vụ, lợi ích) và dòng chảy doanh thu. Khi sắp xếp lại các liên kết này theo cách sáng tạo có thể mở ra một mô hình kinh doanh mới đem lại nhiều giá trị hơn cho tất cả các bên. Google là ví dụ điển hình!
Trận chiến taxi truyền thống và Uber-Grab sẽ còn tiếp diễn dài dài.
Bài: Trần Minh Duy
Tiếp Thị Gia Đình