3 việc cần làm để giảm rủi ro khi thuê nhà

Thị trường cho thuê nhà và căn hộ ngày càng sôi động. Do cung ít, cầu nhiều, người đi thuê nhà thường phải đối diện với trăm kiểu rủi ro

Đang di chuyển trên con đường Lý Thường Kiệt, Q. Tân Bình, TP. HCM, một người mẹ chở con nhỏ bỗng phanh gấp bên một cột điện khiến hàng loạt xe đằng sau không phanh kịp, tông vào nhau. Tiếp Thị Gia Đình hỏi thăm mới biết chị dừng xe để lưu lại số điện thoại cho thuê phòng trọ dán ở cột điện.

NGƯỜI CHO THUÊ KHÔNG LÀ CHÍNH CHỦ

Người mẹ trẻ cho biết mình tên Hương, cùng chồng, bố mẹ và hai người em chồng từ Huế vào TP. HCM làm ăn. Đại gia đình chị thuê được một căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình với giá 5 triệu đồng/tháng.

“Khi gặp căn nhà này, vợ chồng tôi ưng ý nên đặt cọc ngay 10 triệu đồng vì sợ sẽ có người thuê mất. Khu vực tôi thuê đông dân, bố mẹ tôi định sẽ mở quán bún bò, chồng tôi sửa xe máy. Hai bên làm hợp đồng thuê nhà, có chữ ký đầy đủ hẳn hoi. Thế nhưng, chúng tôi dọn vào ở chưa đầy một tháng thì cách đây hơn một tuần, một chú xưng là chủ nhà đến hỏi: “Tại sao chị lại ở đây? Cô Hà đâu?”. Người này đưa ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để khẳng định mình là chủ căn nhà.

Lúc ấy tôi mới biết cô Hà chỉ là người đi thuê nhà và hợp đồng thuê nhà đã hết hạn. Chúng tôi năn nỉ xin thuê nhưng chủ nhà nói cần lấy lại nhà để xây dựng. Ông ấy thương nhà tôi đông đúc, nhiều đồ đạc mới cho ở thêm một tuần để tìm nhà trọ khác. Chỉ còn ba ngày nữa, ông chủ lấy lại nhà rồi mà cả nhà tôi chưa chọn được nơi nào phù hợp. Thế nên, thấy có người rao cho thuê nhà, tôi mới dừng lại gấp như vậy…”, chị Hương kể.

CHỦ NHÀ CHƠI TRÒ NÉM ĐÁ GIẤU TAY

20151009-can-than-khi-di-thue-nha-01

Người đi thuê nhà cần yêu cầu xem các giấy tờ cần thiết và làm hợp đồng chi tiết

Nguyễn Văn Khanh, nhân viên văn phòng, lại gặp rắc rối với chính chủ nhà trọ. Khanh chia sẻ: “Khi tôi đến hỏi thuê nhà, cô chủ nhà hồ hởi mời vào và mời cả nước ngọt, trái cây. Cô giới thiệu mình là giáo viên về hưu, cho thuê nhà chủ yếu để giúp người. Tin tưởng cô, tôi đặt cọc ba triệu đồng, tương đương ba tháng tiền thuê phòng và ngay hôm sau dọn đến ở.

Tôi ở được hai tuần thì rắc rối bắt đầu nảy sinh. Chiếc xe SH của tôi bị ai đó đổ keo 502 đầy ổ khóa. Xăng xe tối về còn đầy, sáng hôm sau đã cạn sạch. Có hôm, bánh xe còn bị xì hơi xẹp lép. Quần áo phơi bên ngoài nhà liên tục mất. Nước chảy yếu lại thường xuyên bị cúp khiến nhiều hôm tôi mua thực phẩm về mà không cách nào nấu được. Tôi thông báo với chủ nhà, cô bảo: “Con có làm mất lòng bạn nào trong khu trọ không, chứ từ trước đến giờ, nơi đây bình yên lắm” và hứa sẽ để ý giùm tôi.

Cao điểm là khi chiếc laptop của tôi để trong phòng biến mất mặc dù tôi đã khóa phòng cẩn thận. Tôi nói với chủ nhà thì cô lên giọng: “Của nả không biết giữ, mất ráng chịu. Nhà chỉ có thế, ở thì ở, không thì đi chỗ khác”. Tôi có cảm giác bà chủ cố tình gây chuyện để đuổi tôi đi. Tôi hỏi thăm những người xung quanh thì biết đã có rất nhiều người thuê phòng ở đây rơi vào tình cảnh tương tự. Đây là chiêu lừa của bà chủ để buộc người thuê đơn phương hủy hợp đồng và mất tiền cọc”.

THUÊ CHUNG CƯ CÓ AN TOÀN HƠN?

20151009-can-than-khi-di-thue-nha-03 Nhiều người cho rằng thuê chung cư sẽ an toàn hơn, nhưng chị Phan Thu Hằng, ở Q. 7, TP. HCM, khẳng định điều đó chưa chắc đúng. Cách đây hơn bốn năm, chị Hằng thuê một căn hộ ở Q. 7, TP. HCM, để tiện việc cho con theo học một trường quốc tế. Căn hộ chị thuê thuộc dạng cao cấp, rộng 76m², giá thuê 12 triệu đồng/tháng, thời hạn 4 năm. Chị đặt cọc 4 tháng tiền nhà là 48 triệu đồng.

Vì được người bạn giới thiệu nên chị chỉ xem hệ thống điện, nước, phòng ốc rồi ký kết hợp đồng. Hơn nữa, ở vị trí đắc địa này, giá chị Hằng thuê được khá rẻ so với mặt bằng chung.

Ngày chị trả căn hộ, chủ nhà đến xăm soi từng chi tiết. Cuối cùng, họ phát hiện có viên gạch ở góc nhà bị vỡ và yêu cầu chị lát lại đúng viên gạch đó mới trả tiền cọc. Tuy nhiên, loại gạch này không còn sản xuất trên thị trường, chị chẳng còn cách nào khác là chịu mất 48 triệu đồng để bồi thường cho viên gạch vỡ.

Ngoài ra, còn một trường hợp khá phổ biến là thuê nhầm căn hộ đã cầm cố ngân hàng. Chị Phương Uyên, Q. Bình Thạnh, TP. HCM, kể lại chuyện mình mà giọng vẫn còn ấm ức: “Tôi ở chưa đầy năm thì có nhân viên ngân hàng đến thông báo căn hộ thuộc tài sản thế chấp. Do chủ nhà không tiếp tục trả nợ, ngân hàng có quyền tịch biên căn hộ. Không liên hệ được với chủ hộ, tôi đành phải dọn nhà mà không thể lấy lại số tiền cọc 36 triệu đồng”.

NGƯỜI ĐI THUÊ DỄ BỊ RỦI RO

Đó là chia sẻ của luật sư Trần Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Luật Pháp Đăng, TP. HCM. Anh phân tích:

“Thứ nhất, vì thật sự cần nhà nên khi chọn được nơi ưng ý, người đi thuê thường vội vàng đặt cọc. Họ bỏ qua việc tìm hiểu kỹ căn hộ đó có thuộc tranh chấp, thế chấp hay sở hữu bất hợp pháp hoặc không thông qua một bước rất đơn giản là yêu cầu xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất.

Thứ hai, người đi thuê nhà không quan tâm đến hợp đồng, đặc biệt là việc mô tả chi tiết hiện trạng nhà, căn hộ bằng văn bản kèm hình ảnh có chữ ký xác nhận của hai bên gắn vào hợp đồng. Trong thực tế, hợp đồng thường do chủ nhà soạn sẵn với những quy định chung chung, không rõ ràng mà họ “vặn” kiểu gì cũng dành được phần thắng về mình.

Thứ ba, một số người cho thuê nhà hiện nay thường không đáp ứng đủ điều kiện đăng ký kinh doanh. Do đó, ngay cả khi người đi thuê cẩn thận làm hợp đồng cũng chỉ là ký tay, tự thỏa thuận với nhau chứ người cho thuê sẽ hạn chế đem ra cơ quan công chứng hoặc chính quyền địa phương.

Thứ tư, ngay cả với mẫu hợp đồng thuê nhà thường thấy ở các cơ quan công chứng cũng rất sơ sài, chung chung. Như Điều 4 quy định bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên đi thuê có hành vi “Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường”. Vậy thế nào là ảnh hưởng nghiêm trọng? Cơ quan nào sẽ đánh giá điều này?

Cuối cùng, do số tiền bị mất không quá lớn và tâm lý ngại kiện tụng nên nhiều người có xu hướng cho qua, không đem chuyện bị người cho thuê lừa đảo ra pháp luật. Việc “cho qua” của người đi thuê nhà vô tình dung túng cho những hành vi lừa đảo như các tình huống kể trên.

CÁCH GIẢM RỦI RO KHI THUÊ NHÀ, CĂN HỘ

20151009-can-than-khi-di-thue-nha-02

1. Yêu cầu người cho thuê cung cấp các giấy tờ sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (đối với nhà), giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (đối với căn hộ) cùng chứng minh nhân dân của chủ sở hữu.l Giấy ủy quyền đồng thuận cho thuê của chồng/vợ hoặc các thành viên khác có tên đồng sở hữu.

Giấy đồng ý cho thuê lại nhà của chính chủ (đối với người cho thuê lại).

Nếu căn hộ thuộc tài sản thế chấp, bạn cần có giấy thông báo đồng ý cho thuê lại của ngân hàng cho vay.

2. Mô tả chi tiết hiện trạng căn nhà, căn hộ

Bạn kiểm tra kỹ, liệt kê chi tiết hiện trạng căn nhà như tắc nghẽn cống, rò rỉ nước… và yêu cầu chủ hộ ký xác nhận. Bạn nên chụp lại hình ảnh có lưu lại ngày chụp.

3. Hợp đồng thuê cần những điều khoản nào?

Do mẫu hợp đồng thuê nhà đang có tại phòng công chứng là mẫu dùng chung, bạn nên tự thảo hợp đồng hoặc nhờ luật sư soạn giúp cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Ngoài những điều khoản cơ bản như giá thuê nhà, thời gian giao nhà, thời gian hết hạn… bạn nên có thêm những thỏa thuận về giá điện, nước; bên cho thuê có trách nhiệm sửa chữa nhà khi bị xuống cấp; việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê và yêu cầu bồi thường thiệt hại…

Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua