Hẳn bạn không xa lạ với tên gọi “trái phiếu Chính phủ” nhưng nếu bảo đầu tư trái phiếu thì bạn hoàn toàn không có khái niệm gì. Tiếp Thị Gia Đình đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, để giúp bạn đọc hiểu hơn về kênh đầu tư này.
Tiếp Thị Gia Đình: Trái phiếu Chính phủ là gì và mua trái phiếu Chính phủ có những lợi ích gì, thưa ông?
Tiến sỹ Đinh Thế Hiển: Trái phiếu Chính phủ là trái phiếu do Chính phủ một quốc gia phát hành. Trái phiếu Chính phủ thường có những thông tin sau: tổng giá trị trong đợt phát hành, hình thức trái phiếu có ghi sổ người mua hoặc không ghi sổ, kỳ hạn sẽ hoàn trả vốn cho người mua (thấp nhất là 3 năm); lãi suất trả hàng năm cho người mua và mệnh giá phát hành (tại Việt Nam thấp nhất là 100.000 đồng).
Một lợi ích quan trọng của trái phiếu Chính phủ là tính an toàn, thường được coi là không có rủi ro. Người mua sẽ được hưởng lãi suất đã công bố và không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Ví dụ: lãi suất cho trái phiếu kỳ hạn 5 năm đợt mới phát hành tháng 1–2016 của Chính phủ vào khoảng 6,8%. Dù lãi suất có thể thấp hơn tiền gửi ngân hàng hay đầu tư vào bất động sản và chứng khoán, nhưng tính thanh khoản của trái phiếu Chính phủ rất cao. Khi cần tiền, nhà đầu tư có thể bán hoặc thế chấp để chuyển thành tiền mặt rất nhanh, hơn hẳn bất động sản và chứng khoán.
Ngoài ra, trị giá trái phiếu sẽ tăng nếu các kênh đầu tư rủi ro như bất động sản và chứng khoán gặp khó khăn và ngược lại. Do vậy, trái phiếu Chính phủ cũng có thể đem lại lợi nhuận gia tăng (hoặc thua lỗ) cho các nhà đầu tư khi mua – bán lại trái phiếu theo từng thời điểm.
Tiếp Thị Gia Đình: Vậy có thể nói đây là kênh đầu tư an toàn cho cả doanh nghiệp và cá nhân?
Tiến sỹ Đinh Thế Hiển: Trái phiếu là kênh đầu tư quan trọng đối với những tổ chức tài chính có nguồn tiền lớn, đòi hỏi tính an toàn trong đầu tư. Cụ thể là các trường hợp sau:
Ngân hàng thương mại: Do quy định của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải có một khoản dự trữ tiền mặt, ngoài ra còn có một khoản tiền chưa cho vay nên việc mua trái phiếu là hoạt động thường xuyên để đồng tiền có thêm lợi nhuận.
Doanh nghiệp lớn, thường xuyên có nguồn tiền tích lũy lớn: đầu tư vào trái phiếu hấp dẫn hơn gửi không kỳ hạn vào ngân hàng thương mại.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, muốn tìm kiếm lợi tức cao hơn gửi ngân hàng nhưng không bị rủi ro mất vốn như chứng khoán hoặc không đòi hỏi vốn lớn và có thể bị chôn vốn dài hạn như bất động sản thì việc đầu tư trái phiếu theo dạng mua – bán thu lợi là khá thích hợp.
Các tổ chức tài chính thu hút một lượng tiền lớn thường xuyên như công ty bảo hiểm nhân thọ: trái phiếu là một kênh đầu tư không thể thiếu.
Một số nhà đầu tư mua trái phiếu trong giai đoạn 2010 – 2011, khi giá trái phiếu xuống thấp do lãi suất ngân hàng quá cao, đã thu lợi rất lớn khi bán lại vào năm 2013 trong bối cảnh thị giá trái phiếu tăng cao vì lãi suất huy động ngân hàng giảm mạnh. Do đó, để “lướt sóng trái phiếu”, các nhà đầu tư cần có khả năng phân tích kinh tế vĩ mô tốt, đồng thời nhận định đúng thời điểm.
Tiếp Thị Gia Đình: Có thể mua trái phiếu ở đâu thưa ông?
Tiến sỹ Đinh Thế Hiển: Tại Việt Nam, đầu tư trái phiếu có hai hình thức. Thị trường sơ cấp là mua trái phiếu trong đợt phát hành lần đầu. Thị trường thứ cấp là việc mua – bán trái phiếu của những người đang nắm giữ.
Việc mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp của Việt Nam chỉ dành cho các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, bảo hiểm và quỹ đầu tư… và theo hình thức đấu giá, tổ chức nào đưa ra mức lãi suất thấp hơn sẽ thắng.
Việc đầu tư trái phiếu trên thị trường thứ cấp dành cho mọi nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư cá nhân, thông qua việc mua bán theo lệnh chào mua – bán tương tự đầu tư cổ phiếu. Nếu muốn đầu tư mua – bán trái phiếu đã phát hành, nhà đầu tư mở tài khoản tại các công ty chứng khoán và xem các lệnh chào mua, chào bán trên sàn HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) để thực hiện giao dịch.
Hiện nay Ngân hàng Sacombank đã tổ chức mua bán lẻ trái phiếu Chính phủ cho nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư có thể xem thông tin chào giá trên website của Sacombank hoặc thông qua các chi nhánh hay phòng giao dịch để thỏa thuận thực hiện giao dịch. Giá trị giao dịch tối thiểu giữa Sacombank và khách hàng cá nhân là 100 triệu đồng/giao dịch; đối với doanh nghiệp là 300 triệu đồng/giao dịch.
Tiếp Thị Gia Đình: Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của tiến sỹ.
Bài: Bảo Uyên
Mục Tài chính / Tiếp Thị Gia Đình