Trái Đất ngày một nóng lên: Băng tan và… kẹt xe ở Everest

Được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới” với độ cao 8.848m so với mực nước biển, Everest ở Nepal, chính là điểm đến lý tưởng dành riêng cho những nhà leo núi ưa mạo hiểm. Nhưng với điều kiện khí hậu nóng lên, băng tan chảy, liệu chúng ta có còn lại Everest để chinh phục và khám phá?

Sáu thập kỷ qua, khoảng 300 người được cho là đã bỏ mạng trên con đường chinh phục Everest. Nguyên nhân chủ yếu do bão, trượt ngã hoặc sốc độ cao. Họ biến mất không dấu tích. Băng tuyết lạnh giá đã che chắn, bảo vệ thi thể của họ suốt vài thập kỷ qua.

Bằng chứng nghiệt ngã

Vài năm gần đây, người leo núi bắt đầu gặp những cảnh tượng vô cùng khủng khiếp ở Everest: Xương người lộ ra khỏi mặt đất, trơ trụi và đóng băng.

Càng ngày càng có nhiều thi thể của những người leo núi đã chết được phơi bày. Khi là hộp sọ, ngón tay, khi là cẳng chân, khi là đôi ủng. Những hình ảnh đáng sợ trên ngọn núi cao nhất thế giới này chính là bằng chứng nghiệt ngã của việc Trái Đất đang nóng lên. Nó đã diễn ra nhiều năm và ngày càng trở nên tồi tệ.

Băng tan, để lại một Everest kiêu hàng hàng tấn rác.

Ông Sherpa – một người leo núi và hướng dẫn viên kỳ cựu, người lập kỷ lục thế giới khi chinh phục đỉnh Everest 24 lần cho hay: “Tuyết tan chảy và các thi thể lộ ra. Tìm thấy xương người đang trở thành chuyện thường với chúng tôi”. Do tác động của biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, tuyết và sông băng đang tan nhanh. Khi băng tan ra, xác chết ngày càng bị phơi bày và được phát hiện bởi những người leo núi. Có những thi thể có niên đại từ một cuộc thám hiểm của Anh vào những năm 1970.

Việc di dời các thi thể ra khỏi Everest vô cùng đắt đỏ và khó thực thi do quá sức nguy hiểm. Phải mất khoảng 1,9 tỷ đồng cùng với việc đánh đổi mạng của người sống mới có thể đưa một thi thể khỏi đỉnh núi này. Bởi vậy, thi thể của những người leo núi chết trên độ cao 6.400m thường sẽ vẫn được để nguyên tại chỗ. Đối với nhiều người leo núi, các thi thể là một lời nhắc nhở về những hiểm họa trên núi. Còn với chúng ta, đó là bằng chứng cảnh báo chúng ta phải có trách nhiệm với môi trường sống của mình.

Lộ diện đống rác khổng lồ

Việc chinh phục đỉnh Everest ngày này không còn là của riêng những nhà leo núi mạo hiểm. Rất nhiều người bình thường trên khắp thế giới, trong đó có cả người Việt đã vượt qua khắc nghiệt thiên nhiên và những lúc cận kề cái chết để chạm đỉnh nóc nhà của thế giới.

Người người kéo nhau chinh phục gây ra tình trạng khó tin: kẹt đường lên Everest. Nó làm tăng nguy hiểm cho những người leo núi, gây ra những cái chết thảm khốc. Và khi lớp băng tan đi, một đống rác khổng lồ được phơi bày – kết quả mà người leo núi để lại sau những lần đặt chân tới nóc nhà thế giới. Nhiều thập kỷ leo núi thương mại đã biến Everest từ đỉnh núi cao nhất thế giới thành… “bãi rác cao nhất thế giới”.

Trước tình trạng này, một nhóm leo núi chuyên nghiệp được cử đến đỉnh Everest. Chỉ sau 2 tuần dọn dẹp đầu tiên, họ đã thu được ba tấn rác. Nó gồm tất tần tật mọi thứ, từ các lều huỳnh quang, bình oxy, phân người và xác người. Ý thức kém đã khiến Everest ô nhiễm nghiêm trọng.

Chính phủ Nepal hiện đã có nhiều giải pháp mạnh tay để làm sạch “nóc nhà thế giới”. Tuy nhiên, một khi người leo núi không ý thức việc bảo vệ môi trường chung thì nóc nhà ấy sẽ mãi mãi bị ngộp trong rác thải. Hiện tại, mỗi năm có ít nhất 600 người tìm đến chinh phục Everest. Hầu hết du khách tham gia leo núi là những người có thu nhập cao đến rất cao. Người có thu nhập cao cũng thường được xem là có ý thức cao. Họ chính là những người đầu tiên có thể góp phần bảo vệ ngón núi kỳ vĩ này, bảo vệ môi trường này.

Vài tuần trước, đường lên Everest còn kẹt cứng.

Trái Đất đang nóng lên: Sông băng đang tan nhanh

Thi thể người cùng đống rác khổng lồ được phơi bày là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy, sông băng ở Everest đang tan chảy. Trái đất đang nóng lên. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các sông băng ở khu vực Everest đang tan chảy và mỏng đi. Giới quan chức Nepal đánh giá, đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Nó ngày càng phổ biến và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nước này.

Trong thập kỷ qua, biến đổi khí hậu đã nhanh chóng làm thay đổi toàn bộ khu vực Himalaya. Các khu vực từng được phủ trong băng dày đặc bây giờ bị lộ ra. Mới năm 2016, Nepal đã phải rút cạn một hồ nước gần Everest sau khi băng tan nhanh chóng, có thể gây ra trận lũ lụt thảm khốc ở hạ lưu. Tới năm nay, kích thước của các ao trên đỉnh sông băng trên khu vực Everest đã tăng lên rất nhiều trong ba năm qua; vượt xa tốc độ thay đổi từ thập kỷ đầu tiên và một nửa thập kỷ trước. Nước dâng lên là dấu hiệu cho thấy băng tan nhiều thêm.

Dự báo, 1/3 sông băng ở dãy Himalaya sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ. Theo báo cáo Hindu Kush Himalaya, con số này có thể tăng lên đến 2/3 nếu sự nóng lên toàn cầu và khí thải nhà kính tiếp tục ở mức hiện tại. Đến năm 2100, 5.500 sông băng ở vùng Hindu Kush Himalaya sẽ tan chảy.

Băng tan không chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp nơi đây mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn một tỷ người dân châu Á. Cuộc sống của họ đang phụ thuộc vào những con sông bắt nguồn từ dải băng trên các đỉnh núi của dãy Himalaya. Tốc độ tan chảy nhanh sẽ khiến dòng chảy tăng lên nhưng lượng nước chảy xuống từ các dải băng giảm dần trong mùa nóng.

Những thảm hoạ có thể xảy ra là lở tuyết, động đất, lũ lụt nghiêm trọng. Và một điều đáng lo ngại nữa là mầm bệnh. Băng tan, những tàn dư bị chôn vùi lộ diện, không chỉ có rác; xác người mà còn có thể có cả những căn bệnh từ thời cổ đại. Liệu nhiệt độ tăng lên có khiến những mầm bệnh chết chóc thời cổ xưa hồi sinh? Mối nguy đó tuy xa nhưng là mối nguy có thực.

Bài: XOA NGUYỄN 

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua