Trái cây Trung Quốc biến thành đặc sản trái cây Việt như thế nào?

Những quả mận to bắt mắt, những trái dưa vàng giá rẻ không ngờ... Tất cả được giới thiệu là hoa quả đặc sản Việt Nam, nhưng thật ra đa phần đều là hàng Trung Quốc

Hàng Việt nhìn xấu hơn nhưng ăn ngon hơn và giá bán có thể cao hơn

Mùa hè năm nay, quả thanh mai (còn gọi là dâu rừng) đã tạo nên một “cơn sốt” cho người dân Hà thành. Quả này có màu đỏ đậm, gần giống quả mâm xôi, vị ngọt ngọt, thanh thanh dễ chịu, có thể ăn trực tiếp hoặc ngâm nước uống giải khát trong mùa hè. Người bán nói rằng quả thanh mai xuất xứ từ Lào Cai, Quảng Ninh, chỉ có vào mùa hè, giá bán đến 200.000 đồng/kg. Sau đó mọi người mới tá hỏa khi biết thông tin thanh mai trong tỉnh không đủ để cung cấp cho thị trường địa phương, lấy đâu để bán đầy đường! Phần lớn số thanh mai đó đều xuất xứ từ Trung Quốc.

Sau quả thanh mai, người dân Hà thành lại được nếm thêm nhiều loại quả đặc sản khác. Mận, đào Sa Pa, nhãn lồng Hưng Yên, nho Ninh Thuận… chỗ nào cũng tràn ngập. Ai cũng thắc mắc, không hiểu đặc sản ở đâu ra mà nhiều thế?

“ĐẶC SẢN” GIÁ BÈO

Hiện các mặt hàng trái cây bán tại chợ hoặc lề đường tại Hà Nội chủ yếu lấy từ chợ đầu mối Long Biên. Để tận mắt thấy đường đi của những loại trái cây đặc sản, chúng tôi có mặt tại chợ Long Biên vào lúc 4 giờ sáng, thời điểm diễn ra hoạt động mua bán nhộn nhịp nhất.

Tại đây, trái cây được bán theo thùng với giá rẻ giật mình, chứ không mấy ai tính theo cân. Ngay sát cổng chợ, mận tím loại to được chủ hàng phát giá oang oang “300.000 đồng/sọt mận 16kg”. Nếu khéo mặc cả, người mua sẽ được giảm giá xuống còn 280.000 đồng/sọt. Chúng tôi để ý thấy chữ Trung Quốc dán trên nhiều quả mận, nhưng người bán một mực khẳng định mận có xuất xứ từ Sa Pa.

Giữa chợ, những thùng nho được xếp chồng lên nhau, trải rộng ngút mắt dưới ánh đèn loang loáng. Nho xanh giá dao động 220.000 – 230.000 đồng/thùng 8–9kg, tính ra khoảng 25.000 đồng/kg. Nho đỏ giá 260.000 đồng/thùng 8kg. Khi chúng tôi bày tỏ ý định mua nho về bán, người bán ở đây mách luôn: “Chẳng có hàng Việt đâu, nho Ninh Thuận lại càng không, toàn trái cây Trung Quốc thôi, nhưng được cái đẹp mã, lại rẻ hều. Cứ nói là nho Đà Lạt cho dễ bán”. Gần đó, những trái dưa lưới vàng ruộm được chào giá chỉ 12.000 đồng/kg.

Dễ nhận thấy, nho, dưa vàng, mận và rất nhiều loại trái cây khác đều được xếp ken đặc trong những thùng carton, chi chít chữ “Ba li wang” hoặc “Fruits China”. Chẳng thế, dân buôn trái cây kháo nhau một mẹo để phân biệt trái cây Trung Quốc hay trái cây Việt khi mua hàng ở đây là dựa vào chữ trên những chiếc thùng carton đựng trái cây.

Tang tảng sáng, các cuộc mua bán dần kết thúc. Những chiếc xe thồ chở trái cây bắt đầu tản ra, đổ về khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội. Chỉ cần ra khỏi cổng chợ, những loại trái cây Trung Quốc trên đều được được hô biến thành đặc sản Việt với giá bán cao gấp 2–3 lần giá mua buôn.

Tại chợ Nghĩa Tân (Q. Cầu Giấy, Hà Nội), khi chúng tôi hỏi mua nho, các chủ sạp trái cây đều khẳng định: “Đây là nho Ninh Thuận chính hiệu” với giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Với loại mận tím thẫm quả to bằng nắm tay, dù bán ở lề đường hay trong chợ, chúng đều được treo biển “Mận ngọt Sa Pa”, giá lên đến 50.000 – 65.000 đồng/kg.

ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ HẾT VỤ TỪ LÂU

Trao đổi với Tiếp Thị Gia Đình, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cho biết, mận và đào Sa Pa đã thu hoạch từ đầu tháng 5 và kết thúc vụ từ ngày 20–7.

“Mận, đào chính gốc Lào Cai đã hết vụ từ rất lâu rồi. Hiện chúng tôi có khoảng 800ha mận và 400ha đào. Khách du lịch thường mua hái ngay tại vườn, số lượng bán ra ngoài rất ít. Do vậy, đào mận tràn lan đang gắn mác “Sa Pa” đều xuất xứ từ Trung Quốc”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn cho biết đào, mận Trung Quốc màu sắc đẹp nhưng ăn xốp và nhạt, còn hàng địa phương có bề ngoài xấu hơn, mận quả nhỏ, đào nhiều lông nhưng mùi vị thơm ngon, giá cao hơn đào mận đang được bán tại Hà Nội. Hơn nữa, bà con không dùng hóa chất, hái lúc nào bán lúc đó, hoa quả không để được lâu nên không thể có chuyện giờ này vẫn còn đào, mận Sa Pa.

“Bản thân tôi sợ trái cây Trung Quốc nên chưa bao giờ ăn đào, mận ngoài vụ bao giờ, hàng càng đẹp thì càng sợ. Tốt nhất, người dân không nên mua đặc sản ngoài vụ, cứ mùa nào thức nấy mà mua. Nên mua tại vườn hoặc nhờ người quen, người bản địa mua rồi chuyển giúp xuống Hà Nội”, ông Tuấn khuyến cáo.

Nói về chuyện nho Ninh Thuận đang bày bán ngập thị trường, ông Nguyễn Văn Mọi, người làm nên thương hiệu nho Ba Mọi, bức xúc: “Nho Ninh Thuận có một vụ chính kéo dài từ tháng giêng tới tháng 6. Sau đó, người nông dân cho đất nghỉ khoảng hai tháng rồi bắt tay vào mùa phụ. Mùa nho phụ bắt đầu từ tháng 10 – 11. Toàn tỉnh Ninh Thuận có 1.200ha nho, trong đó có 200ha nho xanh, 1.000 ha nho đỏ. Chúng tôi bán rộ chỉ trong mùa vụ, giá nho xanh hái ngay tại vườn nhà tôi (theo tiêu chuẩn VietGap) là 70.000 đồng/kg, nho đỏ khoảng 35.000 đồng/kg. Trồng nho xanh khó hơn nho đỏ rất nhiều. Nếu đến tận tháng 8 mà vẫn còn nho Ninh Thuận, đặc biệt là nho xanh giá rẻ, bán ở khắp các con phố thì người dân nên cảnh giác, đó chắc chắn không phải là nho Ninh Thuận chính hiệu. Ngay cả nho Ba Mọi giờ muốn tìm một ký nho tại TP. HCM cũng không có, chứ đừng nói là có ở Hà Nội”.

CẦN SỰ CHUNG TAY TRẢ LẠI CHỖ ĐỨNG CHO NÔNG SẢN VIỆT

Hơn ba mươi năm dốc tâm dốc sức cho trái nho, ông Mọi không khỏi đau lòng trước sự xâm lấn của nho Trung Quốc. Ông tâm sự: “Sau bao năm nghiên cứu, tháng 4–2013, gin nho nhà tôi được cấp chứng nhận VietGap, tăng chất lượng trái nho và gip người tiêu dng biết nhiều hơn đến nho Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến giờ vẫn rất ít người theo mô hình này, bởi nắng gió ở đây quá khắc nghiệt. Nghề trồng nho vốn phải chịu nhiều khốn khó, nhưng mấy năm gần đây, cơn lốc nho Trung Quốc thực sự khiến bà con nông dân chúng tôi phải lao đao tìm mọi cách giữ nghề. Tôi chỉ sợ nhất một điều, với đời con cháu sau này, nghề trồng nho sẽ trở thành dĩ vãng”.

Không chỉ đào, mận, nho… mà từ củ hành tím, khoai tây đến cà-rốt, ớt đỏ… đều bị hàng Trung Quốc đội lốt. Doanh nghiệp và người nông dân rơi vào tình trạng được giá mất mùa mà được mùa thì lại mất giá do bị tưởng nhầm là hàng Trung Quốc.

Dù vậy, ông Mọi vẫn không thôi hy vọng: “Tôi thấy tín hiệu đáng mừng là người dân Việt đã bắt đầu cảnh giác với hàng Trung Quốc. Họ mong muốn được dùng các mặt hàng nông sản sạch do bàn tay người Việt làm ra. Tôi mong các đơn vị kiểm nghiệm chất lượng nông lâm sản và thủy sản cần tiến hành đánh giá mức độ an toàn của các loại hoa quả, thực phẩm trên thị trường để đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp và Nhà nước để đánh bật hàng Trung Quốc, trả lại chỗ đứng cho nông sản Việt”.

PHÂN BIỆT MỘT SỐ LOẠI QUẢ

20150827-me-hon-tran-trai-cay-nho


• Nho Trung Quốc: Vị ngọt gắt, có thể do ngấm hóa chất tạo ngọt, màu sắc xanh mướt hoặc tím đỏ. Có lốm đốm trắng trên vỏ, vỏ mỏng.

• Nho Ninh Thuận: Có vị ngọt tự nhiên, pha chút chua. Màu sắc ửng vàng do tiếp xúc nhiều nắng gió. Nho xanh trái nhỏ nhất bằng ngón tay trỏ. Nho đỏ trái to bằng ngón tay cái. Các trái nho gắn khít trên cùng một chùm. Tháng 3–4 là thời điểm đẹp nhất của mùa nho Ninh Thuận.

Nho xanh Ba Mọi bán tại vườn và hệ thống cửa hàng Rau Bác Tôm.

20150827-me-hon-tran-trai-cay-nhan

• Nhãn Hưng Yên: Vỏ màu vàng sậm, da trơn bóng. Cùi nhãn dày và hơi khô, có hai dẻ xếp rất khít nhau. Vị thơm nhẹ, ăn sần sật. Thường chỉ có trong vòng một tháng, từ khoảng 20–8 đến cuối tháng 9.

• Nhãn Trung Quốc: Quả to, mọng, vỏ mỏng. Cùi dày, nhiều nước. Vịt ngọt hắc, nồng.

20150827-me-hon-tran-trai-cay-dao

• Đào miền Bắc trái nhỏ, có nhiều lông, hình thức xấu, không đều, ăn có vị thơm và chát nhẹ.

• Đào Trung Quốc có vị chát, không có lông và xốp.

20150827-me-hon-tran-trai-cay-man

• Mận Bắc màu tím đỏ hoặc màu vàng, cỡ nhỏ, ăn giòn, có vị chua rõ ràng. Đào và mận mùa vụ kéo dài trong khoảng tháng 5 đến tháng 7.

• Mận Trung Quốc màu tím thẫm, quả to, ăn ngọt, ruột mềm.

20150827-me-hon-tran-trai-cay-dua-luoi

• Dưa lưới vàng trong nước trái nhỏ hơn, hình tròn, vị ngọt mát và không gắt.

• Dưa Trung Quốc quả to 2–4kg, hình bầu dục, ăn ngọt gắt.

ĐỂ MUA ĐƯỢC RAU QUẢ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, BẠN NÊN:

Mua tại vườn hoặc nhờ người quen ở địa phương mua giùm. Mùa nào thức nấy, không ăn hoa quả trái vụ.

Nếu có điều kiện kinh tế, bạn hãy mua những rau quả sạch đã có thương hiệu được chứng nhận chất lượng như rau sạch Đà Lạt Gap, Rau Bác Tôm hoặc mua tại những địa chỉ uy tín đảm bảo rau quả có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng như hệ thống cửa hàng của Sunflower Market.

20150827-vegetable-sunflowermarket-store

Cửa hàng của Sunflower Market

Mục Câu chuyện và Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua