Trắc nghiệm sức khỏe: Bạn biết gì về bệnh bạch hầu?

Bạch hầu là căn bệnh ai cũng đã nghe qua nhiều lần, nhưng không phải ai cũng biết rõ về nó. Bạn có là một trong số đó?

Ở các nước phát triển, bạch hầu ít xảy ra nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ nhỏ. Bệnh chữa trị được nhưng ở giai đoạn nặng, bệnh có thể gây tổn thương tim, thận… thậm chí gây tử vong ở trẻ nhỏ.

Mới đây, dịch bạch hầu bùng phát tại tỉnh Bình Phước. Bạn đã biết gì về căn bệnh này? Bạch hầu có nguy hiểm không? Hãy làm bài trắc nghiệm sau để cập nhật những điều cần biết về bệnh bạch hầu nhé!

1. Theo bạn, điều nào sau đây đúng?

  A. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm

  B. Bệnh có thể lan truyền qua ho, hắt hơi

  C. Cả A và B.

2. ạch hầu chỉ gây ra triệu chứng ở mũi và cổ họng?

  A. Đúng

  B. Sai

3. bạch hầu ảnh hưởng đến hệ thần kinh?

  A. Đúng

  B. Sai

4. Để chẩn đoán bệnh, bác sỹ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm:

  A. Lấy giả mạc hoặc phết bệnh phẩm ở chỗ tổn thương nghi ngờ bạch hầu

  B. Xét nghiệm máu

  C. Xét nghiệm nước tiểu

5. Khi đang điều trị bằng thuốc kháng sinh, bạn cảm thấy khỏe hơn nên có thể dừng thuốc?

  A. Đúng

  B. Sai

6. Không cần phải tiêm ngừa vắc-xin bạch hầu khi trẻ đã hơn 6 tuổi?

  A. Đúng

  B. Sai

7. Trong thời gian phục hồi, bạn cần:

  A. Nghỉ ngơi tại giường khoảng một tuần

  B. Tránh ráng sức, nhất là khi có biến chứng ở tim do bạch hầu

  C. Ăn thức ăn mềm

  D. Cả 3 điều trên.

ĐÁP ÁN

♥ 1C. Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm với đặc trưng là một lớp màng dày màu xám trong họng hầu, mũi. Bệnh có thể lây lan qua các giọt li ti bắn ra khi người bệnh hắt hơi hoặc ho; vật dụng cá nhân bị nhiễm khuẩn như dùng chung ly chén, khăn mặt, bàn chải, đồ chơi; chạm vào vết thương bị nhiễm bệnh.

2B. Bạch hầu không chỉ gây triệu chứng ở mũi và cổ họng (một màng dày, màu xám bao phủ họng và a-mi-đan gây đau họng, khan tiếng, sưng các tuyến ở cổ, khó thở, chảy nước mũi) mà còn ở da (đau, đỏ và sưng), mắt, gây sốt, ớn lạnh, khó chịu. Người ta gọi là bạch hầu bởi triệu chứng khởi phát xuất hiện ở vùng hầu họng chứ không phải triệu chứng bệnh chỉ có ở vùng hầu họng.

3A. Vi khuẩn nhiễm trùng có thể đi khắp cơ thể. Nếu không điều trị, bạch hầu có thể gây tổn thương thần kinh. Trong đó, tổn thương dây thần kinh đến cổ họng gây khó nuốt; tổn thương dây thần kinh cánh tay và chân có thể gây yếu cơ; tổn thương dây thần kinh điều khiển cơ dùng để thở có thể tê liệt.

4A. Khi khám, nếu bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân bị bạch hầu thì sẽ lấy giả mạc ở cổ họng (màng dày màu xám) hoặc lấy bệnh phẩm ở chỗ tổn thương trên da và tiến hành điều trị ngay mà không chờ kết quả xét nghiệm.

5B. Bạn không nên dừng thuốc mà phải tuân theo đúng liều lượng chỉ định của bác sỹ. Dừng thuốc đột ngột khi vi khuẩn chưa hết có thể gây ra hiện tượng tái bùng phát mạnh mẽ và khó điều trị. Thuốc dùng để điều trị bệnh bạch hầu thường là thuốc kháng độc tố, kháng sinh (penicillin hoặc erythromycin).

6B. Theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, thuốc chủng ngừa bạch hầu thường được kết hợp với vắc-xin phòng uốn ván và ho gà, được tiêm khi bé 2, 3, 4 và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu sau 6 tuổi bé vẫn chưa được tiêm vắc-xin này thì bạn nên tiến hành cho tiêm càng sớm càng tốt.

7D. Trong thời gian phục hồi, bạn cần nghỉ ngơi tại giường, tránh ráng sức, ăn thức ăn mềm hoặc lỏng do cổ họng bị đau khiến bạn khó nuốt. Ngoài ra, để phòng lây bệnh cho người thân, bạn cần được cách ly nghiêm ngặt và những người trong gia đình cũng cần rửa tay cẩn thận. Khi đã khỏi bệnh, bạn tiêm lại vắc-xin để đề phòng bệnh tái phát.

Nếu làm đúng từ 5 câu trở lên có nghĩa là bạn đã nắm chắc những điều cần biết về bệnh bạch hầu, nếu ít hơn bạn nên tìm hiểu thêm thông tin để phòng ngừa căn bệnh này thật tốt nhé.

Bài: Vi Cao

Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua