Khả năng phát bệnh ung thư không chỉ bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt mà còn là cá tính lẫn tâm lý con người. Các nhà tâm lý học đã chia tính cách con người thành 3 nhóm A, B và C. Trong đó, nhóm C với các đặc trưng như khép kín, đa sầu đa cảm, chịu áp lực trong thời gian dài có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 3 lần so với hai nhóm tính cách kia. Bạn có nằm trong nhóm này không?
Các nhóm tính cách và bệnh tật liên quan
♥ Nhóm A: Hiếu thắng, nóng vội, dễ tức giận. Nhóm này có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nên còn gọi là nhóm “tính cách tim mạch”.
♥ Nhóm B: Dễ chịu, giỏi cân bằng tâm trạng, bình tĩnh. Nhóm này có sức khỏe tốt, ít khi mắc bệnh hiểm nghèo.
♥ Nhóm C: Hay đè nén bực tức trong lòng, có tính hy sinh và chịu thiệt thòi, nhún nhường thái quá. Nhóm này rất dễ mắc bệnh tiêu hóa, tiểu đường, tuyến tụy, suy giảm miễn dịch dẫn đến nguy cơ ung thư cao hơn. Vì vậy, nhóm này được gọi là nhóm “tính cách ung thư”.
Bài trắc nghiệm giúp bạn biết mình có thuộc nhóm “tính cách ung thư” không
Dựa trên nhiều nghiên cứu, các nhà tâm lý học đã liệt kê các vấn đề về tính cách con người, giúp bạn tự kiểm tra mình thuộc nhóm tính cách nào. Hãy cùng đánh dấu và xem kết quả nhé!
1. Khi bạn cảm thấy tức giận, bạn luôn có thể dễ dàng bộc lộ nó ra?
2. Bất luận xảy ra chuyện gì, bạn đều cố gắng giải quyết tốt và không than thở?
3. Bạn có nghĩ rằng mình là người tốt và đáng yêu?
4. Nhiều lúc, bạn luôn cảm thấy mình vô dụng, cô độc và bị mọi người cô lập?
5. Bạn có đang toàn tâm làm điều mình muốn và hài lòng với các mối quan hệ?
6. Nếu bây giờ có người nói bạn chỉ còn sống 6 tháng nữa, bạn có tiếp tục những chuyện mình đang làm dở?
7. Nếu người ta nói bệnh của bạn đã ở thời kỳ cuối, bạn có muốn được giải thoát?
Câu trả lời lý tưởng:
1: Có
2: Không
3: Có
4: Không
5: Có
6: Có
7: Không
Nếu câu trả lời của bạn có trên 2 lựa chọn đi ngược lại với câu trả lời lý tưởng thì bạn thuộc nhóm “tính cách ung thư”.
Liệu pháp cải thiện tính cách ung thư
♥ Cho dù rơi vào nhóm “tính cách ung thư”, bạn cũng đừng quá lo lắng, bí quyết nằm ở việc thay đổi chính mình, giảm áp lực và tăng sự tự tin.
♥ Tìm kiếm những cách bộc lộ cảm xúc tiêu cực, không đè nén áp lực quá lâu: tìm bạn tâm sự, ghi nhật ký, tự do và mạnh dạn làm chuyện mình thích… để chuyển đổi sự chú ý.
♥ Dành nhiều thời gian để lắng nghe lòng mình hơn, học cách thiện đãi bản thân, hãy tập sống cởi mở và tự nhiên. Tự đặt ra nguyên tắc cho bản thân và biết nói “không”.
♥ Biết rõ sở trường của mình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để nâng cao sự tự tin.
♥ Nhìn nhận khách quan về đánh giá của người khác, tiếp nhận khuyết điểm của mình nhưng không tự trách. Hãy quan tâm nhiều hơn đến những đánh giá tích cực và luôn tin rằng “Tôi đang làm rất tốt”.
♥ Tập thể dục thường xuyên để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Bài: Lê Phương
Mục Trắc nghiệm sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình