Nên đeo các loại khẩu trang chất lượng để tự bảo vệ mình trước ô nhiễm bụi – Ảnh minh họa
Theo các số liệu từ trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP. HCM, nồng độ khí độc hại CO (cacbon monoxit) đo được trong nửa đầu năm 2015 tại TP. HCM đã lên đến con số đáng báo động, vượt ngưỡng năm 2014.
Được biết khí độc CO là một trong những chất được đưa vào danh mục gây ô nhiễm bụi phải đo đạc và kiểm soát liên tục, do đây là chất khí không màu, mùi, khó nhận biết trong không khí nên gây nhiều nguy hiểm cho con người.
Tình trạng ô nhiễm bụi ở TP. HCM vẫn được theo dõi đều đặn qua các năm và nhận thấy tín hiệu khả quan vì chất độc CO có dấu hiệu giảm từ năm 2010 đến 2014. Tuy nhiên, đến nửa đầu năm 2015, trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường lại ghi nhận nồng độ CO tăng đột biến ở những trọng điểm thành phố như Hàng Xanh, Phú Lâm, An Sương, Gò Vấp, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh… Cụ thể hơn, ở thời điểm hiện tại, nồng độ CO cao nhất được xác định là 16mg/m³ tại trạm đo Gò Vấp (so với 11.10mg/m³ vào năm 2014), thấp nhất là 6,03mg/m³ tại trạm đo Hàng Xanh (so với 5,61mg/m³ vào năm 2014).
Tiến sỹ Nguyễn Đinh Tuấn, hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, cho biết những thông số đo đạc bụi và các chất khí độc hại trong bầu không khí tại thành phố cho thấy từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2015, TP. HCM chủ yếu bị ô nhiễm loại bụi lơ lửng, rất khó phát hiện và nguy hiểm.
Tình trạng ô nhiễm bụi nghiêm trọng này ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống và sức khỏe của người dân, mà trước mắt chính là các bệnh về đường hô hấp và da liễu.
Theo ông Nguyễn Đinh Tuấn, người dân ra đường được khuyến cáo sử dụng các loại khẩu trang có ba lớp, hình phễu được thiết kế riêng biệt ôm kín mặt, mũi để có thể tự bảo vệ mình trước mức độ ô nhiễm bụi hiện nay. Không nên sử dụng các loại khẩu trang thông thường may bằng vải mỏng, vì chúng không có khả năng ngăn chặn các hạt bụi mịn, bụi lơ lửng xâm nhập sâu vào cơ quan hô hấp.
Tiếp Thị Gia Đình