Hơn nửa tháng nữa thôi, một cái Tết Nguyên đán lại về với mọi nhà. Trước thềm xuân mới, bên cạnh niềm vui “tống cựu nghênh tân”; không ít gia đình phải đối mặt với những xung đột ngày xuân tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Đó là tiền bạc, nội ngoại, việc nhà, đi đâu chơi gì… Nếu không giải quyết triệt để sẽ dễ dẫn tới bất hòa trong những ngày đầu năm.
Xung đột ngày xuân nhiều nhất liên quan đến tiền bạc
Tết chỉ đến mỗi năm một lần. Vậy nên, các bà nội trợ chẳng tiếc tay sắm sửa mọi thứ để cả nhà đón một cái Tết no ấm, đủ đầy. Các đấng mày râu cũng vậy, nếu ngày thường chỉ dám ngắm chiếc điện thoại đời mới từ xa; xuýt xoa khi thấy đồng nghiệp chạy chiếc xe tay ga mới cáu… thì khi cầm tiền thưởng Tết trong tay, chẳng ngần ngại biến khát khao thành sự thật.
Vợ tiêu đằng vợ, chồng xài đằng chồng. Chẳng mấy chốc mà tình trạng bội chi, thâm hụt ngân quỹ xảy ra, dẫn tới xung đột tài chính.
Lời khuyên:
Lập kế hoạch cho các khoản tiêu Tết. Lên danh sách những thứ cần mua và không tự ý sắm sửa đồ dùng khi chưa được sự đồng thuận của vợ/chồng. Ngoài ra, bạn có thể tiết kiệm chi tiêu bằng cách tự làm một số món ăn (bánh chưng, mứt…); hay đồ trang trí nhà cửa (dây tài lộc, cây mai, đào…).
Gia đình hai bên
Khi bạn độc thân, lẽ đương nhiên bạn sẽ về đoàn tụ cùng gia đình mình. Nhưng khi bạn đã có tổ ấm riêng, anh ấy cũng có cha mẹ, người thân. Lũ trẻ cần được về bên nội. Nếu hai vợ chồng không hiểu được điều này mà cứ khăng khăng đòi đón Tết ở nhà ba mẹ đẻ mình. Xung đột ngày xuân là điều khó tránh.
Lời khuyên:
Chia đôi thời gian nghỉ Tết để về thăm cả hai bên nội ngoại là tốt nhất. Trong trường hợp hai địa điểm cách xa nhau, bạn và chồng nên thống nhất năm nay về ngoại ăn Tết, năm sau về đoàn tụ bên nội. Cả hai họ đều vui.
Phân công việc nhà
Tết thường đi đôi với những mâm cúng ông bà tổ tiên, những bữa tiệc sum họp gia đình, bạn bè. Đó là chưa kể việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa cũng ngốn khá nhiều thời gian và công sức.
Nếu không có sự phân công công việc mà quy hết trách nhiệm cho người vợ, chắc chắn họ sẽ cảm thấy quá tải. Từ đó sinh ra bực bội, cáu gắt, xung đột ngày xuân với chồng, làm không khí gia đình mất vui.
Lời khuyên:
Khi hai vợ chồng bắt đầu nghỉ Tết, cần lập danh sách những việc nhà cần làm và xác định ai làm việc gì. Sự phân chia này phải trên cơ sở công bằng. Nếu một trong hai người cảm thấy công việc của người kia quá nhẹ nhàng so với của mình. Hãy nói ra để cùng điều chỉnh.
Đi đâu, làm gì?
Mấy khi được nghỉ dài ngày, ai mà chẳng có sẵn trong đầu kế hoạch du hí đó đây. Hoặc khi không đi chơi xa, thì việc đến nhà ai mồng Một; ghé thăm ai mồng Hai… cũng có thể phát sinh tranh cãi do mỗi người mỗi ý.
Chẳng ai nhường ai, thế là thay vì ra đường. Hai vợ chồng cùng tuyên bố: “Không đi đâu nữa. Ở nhà” rồi mỗi người tức tối ngồi một góc, xung đột ngày xuân.
Lời khuyên:
Trước Tết, hãy liệt kê những sự kiện mà bạn và chồng phải tham gia. Từ đó cùng nhau quyết định đi chỗ nào trước, chỗ nào sau; chỗ nào nên từ chối. Chẳng hạn, cần dành một buổi để về chúc Tết bố mẹ hai bên. Một buổi cho bữa tiệc tất niên với nhóm bạn cũ. Một ngày đưa bọn trẻ đi hội hoa xuân… Sau khi đã xác định kế hoạch đi chơi, vợ chồng bạn cứ thế tiến hành.
Tất nhiên, không thể tránh khỏi những sự kiện phát sinh. Trong trường hợp này, cả hai cùng tìm ra ý kiến chung sao cho hợp tình hợp lý.
Đối mặt với những câu hỏi “không được duyên cho lắm”
Không có dịp nào tốt hơn dịp Tết để đi thăm hỏi họ hàng, người thân – những người có khi cả năm bạn chẳng gặp mặt. Lâu ngày không gặp, họ tò mò và muốn biết tình hình của bạn là điều đương nhiên.
Thế là, bạn vô tình nhận được sự quan tâm thái quá bằng những câu hỏi: “Lương bổng dạo này khá không? Thưởng Tết năm nay thế nào?”; “Mua được mấy mảnh đất rồi, hay tiền còn bỏ ngân hàng tính lãi?”; “Khi nào gia tăng nhân khẩu đây?… Với những ai còn độc thân, bạn sẽ đối diện với câu hỏi: “Bao giờ lấy chồng/vợ?”… Năm nào cũng phải nghe những thắc mắc đó, dần dần khiến bạn khó chịu. Lâu dài sẽ hình thành tâm lý sợ gặp họ hàng.
Lời khuyên:
Thay vì nghĩ theo hướng tiêu cực, hãy suy nghĩ một cách nhẹ nhàng hơn. Rằng có quan tâm mình thì họ mới hỏi chi tiết như thế. Cứ vui vẻ đáp trả mọi câu hỏi. Câu nào bạn không muốn trả lời, hãy nói tránh sang vấn đề khác hoặc hỏi thăm ngược lại họ. Họ sẽ hiểu ý ngay thôi.
Bài: Hạ Vũ
Tiếp Thị Gia Đình