Tô Hồng Vân bên ba cô công chúa
Câu chuyện của Tô Hồng Vân, cô gái sinh năm 1985, bắt đầu từ khoảng thời gian sinh Hành Tây, con gái út.
Vân kể: “Đợt ấy trùng với dịp các con nghỉ hè nên tôi có thời gian chăm sóc cả ba con và phát hiện hầu hết những tật xấu của con đều từ mẹ. Tôi nghĩ, mình phải nhìn lại bản thân, thay đổi phương pháp dạy ngay thôi. Chính bố mẹ phải tự sửa chữa để hy vọng con noi theo và sửa dần. Tính tốt thì khó lan nhưng tính xấu thì truyền nhiễm cực nhanh. Đây cũng là khoảng thời gian giúp tôi có nhiều tư liệu cho cuốn sách đầu tay Không được thì… THÔI”.
Vân bảo cô không có tham vọng viết sách để nổi danh. Vân viết đơn giản vì muốn gửi gắm tình yêu thương cho con, muốn con đọc để nhìn thấy bản thân. Cuốn sách còn là lăng kính thế giới trẻ thơ mà bất kỳ bà mẹ nào cũng có thể chạm tới được.
DỰ ÁN BẾP PHÓ…
Vân chia sẻ: “Ý tưởng của dịch vụ Bếp phó bắt nguồn từ nhu cầu thực sự của bản thân khi phải vừa đi làm vừa chu toàn việc gia đình. Buổi chiều, sau khi đón các con về, hai vợ chồng phải chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, chuyện tưởng đơn giản nhưng chiếm hết khoảng thời gian ít ỏi sum họp gia đình. Khi ấy, tôi ước có ai làm mọi công đoạn sơ chế để khi về đến nhà chỉ việc nấu trong vòng 10–15 phút.
Khi nghe ý tưởng của tôi, ông xã ủng hộ ngay và cả hai bắt tay vào nghiên cứu thị trường. Chúng tôi nhận ra, dịch vụ này thực sự cần thiết và hữu ích cho người phụ nữ bận rộn. Hơn nữa, dịch vụ là trợ thủ đắc lực để những phụ nữ giỏi giang việc xã hội có thể giữ bếp lửa gia đình mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức. Chúng tôi bắt đầu tìm nguồn cung cấp, đầu bếp, chuyên gia định lượng khẩu phần ăn…”.
…VÀ 1.001 KHÓ KHĂN
Kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng, vì thế khi triển khai dịch vụ, Vân vấp phải vô vàn khó khăn. Khách hàng phàn nàn chuyện ăn đủ, ăn thừa vì sức ăn mỗi người mỗi khác. Vân và ban cố vấn đầu bếp quyết định thiết kế khẩu phần dựa vào chỉ số calo. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với dịch vụ Bếp phó là cực kỳ quan trọng, vì thế việc quản lý nhân sự làm công đoạn rửa, sơ chế thực phẩm rất nghiêm ngặt. Vân đưa ra quy định thưởng phạt gắt gao, mỗi nhân sự ở vị trí này đều được “làm công tác tư tưởng”, dành tâm huyết với việc đang làm.
Rắc rối nhất là khâu vận chuyển, dù phân vùng, tuyến đường nhưng không tránh khỏi lúc trễ đơn hàng, phải đền cho khách vì nhiều lý do. Để giải quyết sự cố, đội vận chuyển luôn phải có người dự bị.
Ra mắt từ tháng 4–2014, đến nay, Bếp phó đã có thể tự vận hành. Với đội ngũ nhân viên gần 80 người, mỗi ngày, Bếp phó nhận trung bình từ 60–70 đơn hàng, chưa kể dịch vụ cơm trưa văn phòng.
Nếu có thể dùng hai từ để nói về Vân, đó là: nguyên tắc và lạc quan. Lạc quan giúp Vân vượt qua áp lực khi phải vừa kinh doanh, làm thêm những dự án truyền thông, viết sách vừa chăm ba con. Còn nguyên tắc, Vân nguyên tắc khi dạy con và với bản thân. Nguyên tắc của Vân chính là: Luôn đặt gia đình ở hàng ưu tiên. Dù bận rộn đến đâu, sau 16 giờ là thời gian cô dành cho gia đình.
Vân bảo: “Phụ nữ không có gì quan trọng bằng việc gìn giữ một mái ấm. Cân đối quỹ thời gian để nấu bữa ăn gia đình, dạy dỗ, chơi đùa cùng con, chia sẻ với người bạn đời là điều cực kỳ quan trọng. Vân may mắn có ông xã rất thấu hiểu, luôn ủng hộ vợ và tuân thủ thỏa thuận của vợ chồng trong việc chăm sóc con”.
BÍ QUYẾT KINH DOANH
♦ beppho.com là dịch vụ cung cấp thực phẩm đã sơ chế cho người nội trợ. Thực phẩm đã được sơ chế bao gồm: rau củ đã được rửa sạch, thái sẵn. Thịt, cá đã được tẩm ướp kèm gói gia vị trong từng món.
♦ Bí quyết của Vân chính là đặt uy tín lên hàng đầu, tiếp nhận những ý kiến phản hồi từ khách hàng. Lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm uy tín, quản lý nhân sự chặt chẽ, không ngừng đổi mới món ăn để sản phẩm đến tay khách hàng hoàn hảo nhất.
Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình