Chúng ta đã biết, tinh dầu là tinh chất cô đặc được chiết xuất từ thực vật. Khi được điều chế đúng cách, tinh dầu an toàn để sử dụng trong nấu ăn. Tinh dầu nấu ăn tương tự như việc bạn dùng tinh chất vani hay chiết xuất hạnh nhân để tăng hương vị khi làm các loại bánh.
Bạn dễ dàng tìm mua được tinh dầu nấu ăn tại các cửa hàng nguyên liệu làm bánh. Thậm chí, bạn còn phát hiện ra nhiều loại tinh dầu thơm dùng để khuếch tán trong nhà có thể dùng trong nấu nướng. Đơn cử như tinh dầu cam, húng quế, đinh hương…
Vị thế khó thay đổi của tinh dầu trong ẩm thực
Một số loại tinh dầu trở nên đặc biệt tiện dụng khi công thức nấu nướng yêu cầu một thành phần khó tìm hoặc không phổ biến/không có sẵn ở nơi bạn sinh sống. Ví dụ như hoa oải hương hay vỏ quế. Tinh dầu sẽ thay thế được nguyên liệu tươi.
Tương tự, tinh dầu kinh giới, húng tây và húng quế được sử dụng trong nhiều công thức nấu ăn của Ý. Thậm chí, ngay cả món mỳ spaghetti cũng hấp dẫn hơn khi có thêm “sức mạnh” từ 3 loại tinh dầu này.
Trong món phở truyền thống của người Việt, hồi là một gia vị quan trọng không thể thiếu. Không có hoa hồi, nước phở sẽ trở nên nhạt nhẽo, không đậm đà và dậy hương. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ các đầu bếp chuyên nghiệp, chúng ta có thể thay thế bằng tinh dầu hoa hồi nguyên chất trong trường hợp không tìm thấy hoa hồi khô.
Nhiều loại tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa; và kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm. Chúng hoạt động như chất bảo quản tự nhiên; và đang dần thay thế các chất tổng hợp có hại trong lĩnh vực thực phẩm.
Tinh dầu cũng có thể dùng trong các loại thức uống. Ví dụ tách trà buổi sáng kèm thêm tinh dầu bạc hà giúp kích hoạt tỉnh táo rất hiệu quả. Tinh dầu thảo quả là một chất khử trùng mạnh, giúp bảo vệ dạ dày khỏi bị nhiễm trùng. Tinh dầu gừng có tác dụng giảm đau dạ dày.
Còn nhiều loại tinh dầu không chỉ tạo cảm giác no lâu, mà còn cung cấp dinh dưỡng. Do đó, công dụng của tinh dầu trong ẩm thực rất phong phú.
Lưu ý khi dùng tinh dầu nấu ăn
Tinh dầu nguyên chất thường trong suốt, màu trắng hoặc vàng nhẹ. Đặc biệt, mùi hương rất mạnh. Điều đó có nghĩa, một giọt tinh dầu có thể sẽ tương đương với 1 muỗng cà phê/canh nguyên liệu tươi. Bạn nên đặc biệt lưu ý điều này khi dùng tinh dầu để bổ sung hay thay thế cho nguyên liệu tươi.
Nếu không có ống bơm tinh dầu chuyên dụng, bạn có thể dùng tăm nhúng từng giọt và cho vào thức ăn. Lưu ý, nếu tăm đã chạm vào món ăn thì không được nhúng tiếp vào lọ tinh dầu. Hành động này có thể làm biến chất và hỏng chai tinh dầu của bạn.
Thời điểm nào thích hợp để thêm tinh dầu?
Đó là vào khâu cuối cùng của công đoạn nấu. Như vậy, bạn sẽ giữ được nhiều hương vị nhất. Đôi lúc, bạn sẽ cần trộn tinh dầu chung với dầu đậu nành hoặc ô-liu rồi thêm vào khi thức ăn đã nấu chín hoặc trước khi thưởng thức.
Ngay cả khi một loại tinh dầu thuộc danh sách an toàn trong thực phẩm, bạn vẫn nên để xa tầm tay trẻ em. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được hướng dẫn về liều lượng phù hợp.
Coi chừng lầm lẫn tinh dầu nấu ăn với hương liệu
Không hẳn tất cả sản phẩm có dòng chữ “tinh dầu” đều là tinh dầu tự nhiên. Bạn nên đọc kỹ bảng thành phần bởi chúng có thể “núp bóng” dưới dạng hương liệu tổng hợp (fragrance oil, aromatic oil, perfume oil).
Hương liệu tổng hợp thực chất là một sản phẩm kết hợp các thành phần nhân tạo. Nó mô tả hương thơm gần giống như tinh dầu trong thiên nhiên. Tuy nhiên, ngoài tạo hương thơm, chúng không có tác dụng gì khác.
Là một sản phẩm hóa chất công nghiệp nên hương liệu tổng hợp được sản xuất đại trà và có giá thành rẻ hơn nhiều. Ưu điểm là không cần trồng trọt, thu hái hay phụ thuộc thời tiết. Thế nhưng, hương liệu cũng mang lại nhiều nhược điểm như làm tăng các hóa chất nguy hiểm; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chứng nhận tinh dầu an toàn dùng trong thực phẩm?
Trên thế giới có một chứng nhận tinh dầu an toàn do FDA công nhận. Đó là GRAS (generally recognized as safe). Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng để thông tin này trên bao bì. Cách tốt nhất là tra cứu nguồn gốc sản phẩm cùng độ uy tín của thương hiệu.
5 loại tinh dầu nấu ăn thông dụng
• Hoa oải hương: Ngoài tác dụng phụ thư giãn; dầu hoa oải hương rất phù hợp cho các món ăn tráng miệng như kem.
• Bạc hà: Nổi tiếng với lợi ích tiêu hóa cũng như tăng cảm giác sảng khoái, mát lạnh cho nhiều món tráng miệng.
• Quế: là một chất chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm. Không chỉ vậy, nó cũng có thể tăng vị ấm và cay cho món ăn yêu thích của bạn. Đặc biệt là cà phê hoặc sô cô la nóng.
• Cỏ xạ hương: Hoàn hảo cho các món có nước lèo, súp hoặc món hầm.
• Gừng: Giống như bạc hà, gừng là một chất hỗ trợ tiêu hóa tuyệt vời. Ăn với sushi rất thích hợp.
3 điều cần nhớ khi dùng tinh dầu trong thực phẩm
Hãy chắc chắn rằng tinh dầu của bạn an toàn trong nấu nướng bởi không phải mọi tinh dầu đều có thể được ăn.
Đừng làm dụng nhiều quá. Chỉ cần nhiều hơn 1 giọt hoặc một tăm nhúng là đã có thể “áp đảo” mùi vị của món ăn; và không an toàn để thưởng thức.
Chỉ dùng lọ/chai thủy tinh hoặc gốm có nắp kín để đựng tinh dầu. Tinh dầu có thể hút độc tố từ vật liệu nhựa hoặc bám mùi vào chất liệu kim loại.
Bài: AV
Tiếp Thị Gia Đình