Hầu hết chế độ ăn hàng ngày của chúng ta là tinh bột.
Tinh bột là những chuỗi glucose dài có trong ngũ cốc, khoai tây và nhiều loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, không phải loại tinh bột nào mà chúng ta ăn đều được tiêu hóa hết. Đôi khi một lượng nhỏ tinh bột đi qua đường tiêu hóa mà không hề bị chuyển hóa, chúng được gọi là tinh bột đề kháng (hay kháng tinh bột), hoạt động như một dạng chất xơ hòa tan.
Nhiều nghiên cứu trên người cho thấy tinh bột đề kháng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn giúp cơ thể nhạy cảm hơn với các hoạt động của insulin, giảm lượng đường trong máu, giảm chứng thèm ăn và nhiều lợi ích tiêu hóa khác.
4 loại tinh bột đề kháng
– Loại 1: Tìm thấy trong ngũ cốc, các loại hạt cây họ đậu. Tinh bột loại 1 khó tiêu hóa vì chúng bị dính vào vách tế bào sợi.
– Loại 2: Có trong thực phẩm giàu bột, bao gồm khoai tây củ và chuối xanh (chưa chín).
– Loại 3: Được hình thành từ một số loại thực phẩm bột, bao gồm khoai tây và gạo nấu chín rồi để nguội. Quá trình để nguội đã chuyển hóa một số loại tinh bột dễ tiêu hóa thành tinh bột đề kháng thông qua cơ chế thoái hóa tinh bột.
– Loại 4: Do con người tạo ra bằng phương pháp hóa học.
Tuy nhiên, việc phân loại trong thực tế khá phức tạp vì nhiều loại tinh bột đề kháng có thể cùng tồn tại trong một loại thực phẩm.
Tùy thuộc vào cách chế biến và sử dụng thực phẩm mà chúng ta giữ được lượng tinh bột đề kháng nhiều hay ít. Chẳng hạn, lượng tinh bột đề kháng trong một quả chuối chín đã bị giảm bớt do chuyển hóa thành tinh bột thường.
Tinh bột đề kháng góp phần nuôi đến 90% cơ thể
Tinh bột đề kháng có tính chất giống như một dạng sợi hòa tan và dễ lên men. Nó đi qua dạ dày và ruột non mà không bị tiêu hóa, cuối cùng tới ruột già và trở thành thức ăn cho các loại vi khuẩn tốt ở đây.
Vi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột nhiều gấp 10 lần lượng tế bào trong cơ thể. Nghĩa là, chỉ có 10% trong chúng ta là con người (còn lại là vi khuẩn). Hầu hết thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày chỉ nuôi 10% tế bào, trong khi chất xơ lên men và tinh bột đề kháng nuôi 90% còn lại.
Có hàng trăm loại vi khuẩn khác nhau trong ruột. Tinh bột đề kháng nuôi những vi khuẩn tốt trong ruột, khiến chúng gia tăng về số lượng và chất lượng. Khi vi khuẩn ăn tinh bột đề kháng, chúng sẽ hình thành một số hợp chất, bao gồm khí gas và a-xít béo mạch ngắn (SCFA ). Đáng chú ý nhất là a-xít béo butyrate.
Butyrate lại là nguồn nhiên liệu ưa thích của tế bào thành ruột già. Điều đó có nghĩa tinh bột đề kháng không chỉ nuôi các vi khuẩn tốt mà còn gián tiếp nuôi các tế bào ruột thông qua việc gia tăng lượng butyrate.
Tinh bột đề kháng có nhiều tác dụng với ruột già. Nó giảm độ pH, do đó làm giảm rõ rệt hiện tượng viêm, kết quả là hạn chế nguy cơ ung thư đại trực tràng – một căn bệnh gây ra tỷ lệ tử vong cao thứ 4 trong số các trường hợp chết vì ung thư.
Những a-xít béo mạch ngắn mà tế bào ruột không tiêu hóa sẽ đi vào máu, gan và toàn bộ phần còn lại của cơ thể, đem đến những lợi ích tích cực khác.
Vì những ảnh hưởng mạnh mẽ lên ruột, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu tinh bột đề kháng để tìm ra cách ứng dụng nó trong việc chữa trị các chứng rối loại tiêu hóa. Trong đó có bệnh viêm loét đại tràng, Crohn, táo bón, viêm túi thừa và tiêu chảy.
Theo authoritynutrition