Tìm thấy hormone giúp giảm cảm giác thèm ăn ngọt

Tin vui cho những người có nguy cơ béo phì và tiểu đường: các nhà khoa học đã tìm ra hormone giúp giảm cảm giác thèm ăn ngọt được sản xuất ở gan

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Iowa công bố trên tạp chí Cell Metabolism cho biết, họ đã tìm ra loại hormone có khả năng giảm cảm giác thèm ăn ngọt.

Loại hormone này được các nhà khoa học gọi là FGF−21. Đây là loại hormone sản sinh ở gan khi hàm lượng carbohydrate tăng cao. Khi đó, hormone này sẽ đi vào trong máu và gửi tín hiệu cảnh báo đến não.

Các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu trước đây đã tìm ra một số loại hormone ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Tuy nhiên những hormone này không tác động cụ thể đến một thành phần nhất định. Do đó FGF−21 là loại hormone đầu tiên được tìm thấy có tác dụng điều chỉnh lượng đường được sản xuất từ gan.

Giáo sư Lucas BonDurant, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, họ đã lưu ý những tác động của FGF−21 đến hàm lượng insulin trong máu, do đó họ tiến hành những nghiên cứu sâu hơn về tác động của chúng với cảm giác thèm ăn ngọt và thí nghiệm trên chuột biến đổi gien.

Kết quả, những con chuột biến đổi gien làm giảm sản xuất FGF−21 có xu hướng tiêu thụ đường nhiều hơn bình thường. Trong khi những con chuột biến đổi gien tăng sản xuất FGF−21 tiêu thụ ít đường hơn. Do đó, các nhà khoa học đi đến kết luận rằng hormone FGF−21 có tác dụng trong việc giảm cảm giác thèm ăn ngọt và giảm tiêu thụ đường.

giam cam giac them an ngot hinh anh 02

Hormone FGF-21 có tác dụng làm giảm cảm giác thèm ăn ngọt

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng FGF−21 không làm giảm tiêu thụ các loại đường đơn và carbohydrate phức tạp.

Các nhà khoa học sẽ cần nhiều nghiên cứu sâu hơn về tác dụng giảm cảm giác thèm ăn ngọt của FGF−21 trước khi ứng dụng vào thực tế điều trị. Tuy nhiên, phát hiện này đã mở ra một hướng đi mới trong việc hỗ trợ ăn kiêng, đặc biệt là với những người mắc bệnh béo phì và tiểu đường.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua