Tìm thấy hạnh phúc và bình an từ Sivananda Yoga

Có những cô gái thành thị xinh đẹp, giỏi giang đã từ bỏ tất cả để dành trọn cuộc sống cho Sivananda Yoga. Điều gì ở môn yoga này thu hút họ?

Buổi dạy yoga cho người lớn

Đang làm nhân viên thiết kế cho một tờ báo lớn ở TP. HCM, Hồ Trang, sinh năm 1986, bỗng nộp đơn xin nghỉ việc. Cô rời Sài Gòn lên Đà Lạt để tham gia khóa huấn luyện giáo viên yoga quốc tế tại Trung tâm Sivananda Yoga Vedanta (SYV), sau đó ở lại làm giáo viên dạy yoga thiện nguyện. Ít lâu sau, qua Facebook, đồng nghiệp nhìn thấy một Hồ Trang hoàn toàn khác với gương mặt rạng ngời hạnh phúc.

20151001-tim-binh-an-voi-Sivananda-Yoga-09

Hồ Trang hạnh phúc với công việc thiện nguyện hiện tại

Ngoài Trang, ở trung tâm còn có hai bạn trẻ khác là Nguyễn Ngọc Mỹ Hà, sinh năm 1988 và Trương Loan, sinh năm 1985. Trương Loan tốt nghiệp ngành dinh dưỡng ở Mỹ vừa đầu quân làm giáo viên yoga thiện nguyện khoảng 5 tháng. Mỹ Hà gắn bó với Sivananda Yoga bảy năm nay và tiếp nhận điều hành chi nhánh SYV ở Đà Lạt từ tháng 10–2013. Ngoài người chủ trì như Mỹ Hà đảm nhiệm lâu dài, các giáo viên như Hồ Trang, Trương Loan ở lại trung tâm từ vài tháng đến vài năm và khi họ đi, sẽ có những bạn trẻ khác đến.

20151001-tim-binh-an-voi-Sivananda-Yoga-10
3 cô giáo Yoga: Hồ Trang, Mỹ Hà và Trương Loan

HẠNH PHÚC NHỜ ĐƯỢC CHO ĐI

SYV có nhiều lớp học khác nhau dành cho người đi làm, chị em nội trợ, trẻ em, bà bầu, bệnh nhân ung thư, thiền định, tư duy tích cực… Tôi đến trung tâm vào khoảng 9 giờ sáng, khi lớp học yoga cho người lớn của Mỹ Hà gần kết thúc và Hồ Trang chuẩn bị lên lớp dạy yoga cho trẻ em. Trước giờ học khoảng 5 phút, một ông bố đưa con gái 6 tuổi đến trung tâm. Anh bảo: “Cháu nhát lắm và cũng hay bệnh nữa, tôi thử cho cháu học yoga xem có cải thiện không”. Cô bé cứ bám chặt lấy chân ba, cô giáo Hồ Trang phải dỗ dành bé vào lớp.

20151001-tim-binh-an-voi-Sivananda-Yoga-06

Hai học viên nước ngoài tại SYV

Lớp học yoga của trẻ em đầy ắp tiếng cười. Cô giáo Hồ Trang kiên nhẫn hướng dẫn các bé bài tập khởi động chào mặt trời, những bài tập thở căn bản, tư thế yoga biến thể dưới dạng các trò chơi vận động, mô phỏng theo tư thế loài vật, học thiền định, hát niệm ca và chơi các trò chơi trí tuệ vui nhộn. Qua cửa kính, quan sát con gái, ba của cô bé mới đến ngạc nhiên vì bé tập rất mềm dẻo, chơi vui và hòa đồng. Gần cuối buổi, trong một lúc phấn khích quá, cô bé chạy khỏi chỗ tập đến hôn vào má cô giáo.

Tất cả giờ dạy của các cô giáo ở trung tâm đều là thiện nguyện, không nhận thù lao. Hồ Trang chia sẻ: “Giúp được người khác tìm ra hạnh phúc bằng kỹ thuật và kiến thức yoga, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Làm việc thiện nguyện cũng là cách chúng tôi thực hành Karma yoga (phục vụ không vì bản thân) để đạt được sự hợp nhất của cơ thể, tâm linh, tâm trí, mang lại sức khỏe, hạnh phúc và bình yên”.

20151001-tim-binh-an-voi-Sivananda-Yoga-05

Trương Loan chỉnh sửa tư thế cho học viên

Vốn là một cô gái sống khép kín, sau 5 tháng làm việc ở SYV, Trương Loan thay đổi hẳn. Cô cười nhiều hơn và hòa đồng với mọi người xung quanh qua việc phục vụ và chia sẻ.

Mỹ Hà cho rằng việc chỉ cho mọi người đến với bình an và hạnh phúc là một hoạt động thiện nguyện có giá trị lâu dài: “Những gip đỡ vật chất chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Giữa cuộc sống luôn đổi thay và đầy áp lực, giúp người khác tìm được sự cân bằng và bình an trong tâm hồn mới đủ sức để vực dậy một con người. Chúng tôi muốn bắc những cây cầu ấy thông qua việc truyền đạt yoga, giúp cộng đồng tìm được bình an trong tâm hồn. Khi mỗi người được bình an thì cả thế giới sẽ hòa bình”.

ĐA NĂNG VÀ CÂN BẰNG

20151001-tim-binh-an-voi-Sivananda-Yoga-04

Hồ Trang khoe: “Từ lúc đến trung tâm, phải tự tay làm tất cả mọi việc, tôi đã học thêm được rất nhiều thứ bao gồm sửa điện nước, may vá, trồng cây, nấu ăn chay theo kiểu Âu, Á, Ấn và kỹ năng tiếng Anh cũng tiến bộ hẳn”.

SONY DSC

Trương Loan trổ tài đãi mọi người món bún bò chay

Tất cả vật dụng trong nhà đều do các cô gái trẻ tự tay làm, từ bàn ghế, tủ giường đến vườn rau xanh um trên ban công. Họ cũng kiêm luôn cả việc marketing, dịch sách, làm phụ đề phim về yoga…

20151001-tim-binh-an-voi-Sivananda-Yoga-02

Mỹ Hà quản lý trung tâm

Mỗi ngày, các giáo viên và học viên nội trú ở trung tâm đều có buổi thiền định và diễn giải vào sáng sớm và chiều tối. Buổi thiền thường bắt đầu với 30 phút thiền tĩnh rồi thiền âm thanh thông qua hát niệm ca Kirtan và sau đó là phần chia sẻ những triết lý về cuộc sống của yoga. Mỹ Hà giải thích: “Thiền định giúp tâm trí cân bằng và tập trung, đồng thời cơ thể và các giác quan được thả lỏng, tạo nguồn năng lượng và sức sống cho cả thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh đó, các triết lý về cuộc sống của yoga giúp chúng tôi mở mang tâm trí, thay đổi lối suy nghĩ thông thường để tâm hồn bình an và cân bằng”.

20151001-tim-binh-an-voi-Sivananda-Yoga-07Cuối ngày, các cô giáo trở về phòng riêng đọc sách và viết nhật ký. Đây là thời gian họ nhìn lại suy nghĩ và cảm xúc mỗi ngày để rút kinh nghiệm.

Theo Hồ Trang, khi bạn đang băn khoăn không biết mục đích sống của mình là gì, không cảm thấy hạnh phúc với những gì đang có, bạn nên gác lại mọi chuyện và sống không tính toán với Sivananda Yoga. Môn yoga này không dạy bạn trốn đời mà dẫn bạn từ u mê đến thông thái, từ yếu đuối đến mạnh mẽ, từ căm ghét đến yêu thương… để sau đó bạn quay lại cuộc đời bình an, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Biết thêm về Sivananda Yoga

20151001-tim-binh-an-voi-Sivananda-Yoga-01

Trung tâm Sivananda Yoga ở Đà Lạt

Sivananda Yoga là phương pháp yoga truyền thống, đặt theo tên vị tổ sư Swami Sivananda, một trong những người dạy tâm linh có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX.

• Lấy sự bình an trong tâm hồn của người tập làm mục tiêu cuối cùng, cách thực hành Sivananda Yoga dựa trên năm điểm chính để người học áp dụng vào đời sống: tập thể dục đúng cách (Asana), hít thở đúng cách (Pranayama), thư giãn đúng cách (Savasana), ăn uống đúng cách (Ăn chay), tư duy tích cực (Vedanta) và thiền định (Dhyana). Vì vậy đến với yoga cổ điển Sivananda cũng là cơ hội để người học rèn luyện cả sức khỏe thể chất và nội tâm, bình thản trước những khó khăn trong cuộc sống. Đây là nền tảng của yoga cổ điển và cũng là điểm khác biệt so với những trường phái yoga khác.

• Muốn trở thành một giáo viên Sivananda Yoga, bạn chỉ cần tham gia khóa huấn luận giáo viên yoga quốc tế trong một tháng với 200 giờ học. Khi tốt nghiệp, bạn sẽ nhận được tấm bằng có giá trị thế giới và được gọi là “Yoga Siromani” (giáo viên yoga). Với bằng này, bạn có thể trở thành giáo viên yoga quốc tế hoặc đăng ký trở thành giáo viên của trung tâm.

Ở Việt Nam có hai trung tâm Sivananda Yoga Vedanta. Nếu muốn theo học, bạn đăng ký tại chi nhánh TP. HCM: 25 Trần Quý Khoách, P. Tân Định, Q. 1, điện thoại (08) 6680 5428/ 6680 5427 hoặc Đà Lạt, 34 Sương Nguyệt Ánh, P. 9, Đà Lạt, điện thoại (063) 650 1900, website: www.sivanandayogavietnam.org

MỘT NGÀY CHỦ NHẬT Ở SIVANANDA YOGA VEDANTA ĐÀ LẠT

• 4 giờ 30: Mọi người thức dậy sau một hồi chuông lắc

• 5 – 6 giờ: Thiền định và diễn giải

• 8 – 9 giờ 30: Dạy học lớp yoga sáng

• 10 – 11 giờ: Dạy lớp yoga cho trẻ em

•  12 giờ: Ăn trưa chay

• 13 giờ: Thực hành Karma yoga 

15 giờ 30 – 17 giờ: Dạy lớp yoga chiều cuối tuần

• 17 giờ 30 – 19 giờ: Thiền định và diễn giải

• 19 giờ 30: Ăn chay tối

• 20 giờ: Mọi người về phòng riêng

• 22 giờ: Sivananda Yoga Vedanta chìm vào giấc ngủ.

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua