Nhờ phương pháp chỉnh sửa gien, một ngày không xa nội tạng lợn có thể phù hợp với người
Giáo sư George Church và các cộng sự tại Đại học Harvard, Mỹ, đã sử dụng kỹ thuật Crispr để chỉnh sửa gien (ADN) của tế bào lợn tạo ra một loại gien tốt hơn phù hợp với con người. Điều này tạo tiền đề cho việc ghép nội tạng lợn cho người. Nếu thành công, đây sẽ là giải pháp tuyệt vời cho sự thiếu hụt nguồn hiến tặng nội tạng hiện nay trên thế giới.
Crispr là một công cụ khoa học tương đối mới cho phép các nhà khoa học có thể tùy chỉnh bộ mã di truyền ADN. Giáo sư George Church đã dùng công cụ này để làm bất hoạt một loại retrovirus có mặt trong tế bào của lợn.
Trước đây, các nghiên cứu cho thấy cấy ghép cơ quan nội tạng của lợn vào cơ thể người có thể gây ra nguy cơ về sức khỏe cho con người. Nguyên nhân là do loại retrovirus trong lợn có thể lây nhiễm sang tế bào người. Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã phát hiện retrovirus trong lợn lây nhiễm sang tế bào người.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu Mỹ đã loại bỏ retrovirus ra khỏi ADN của lợn. Trong các thử nghiệm trên phôi tế bào lợn, giáo sư Church cho biết ông đã loại bỏ được 62 bản sao chép retrovirus bằng công cụ Crispr. Kết quả của công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature và được báo cáo trong hội thảo khoa học của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
Dù vậy, các nhà khoa học vẫn cần thêm thời gian để kiểm tra sự tương thích của các tế bào lợn đã được chỉnh sửa gien lên hệ miễn dịch của con người trước khi có thể ứng dụng nghiên cứu vào thực tế.
Tiếp Thị Gia Đình