Tiêu chảy cấp do Rotavirus gây nguy hiểm cho trẻ

Cuối thu, đầu đông là thời điểm dịch tiêu chảy cấp do Rotavirus bùng phát, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 453.000 trẻ em trên thế giới mỗi năm. Hãy trang bị thêm hiểu biết để bảo vệ con tốt hơn trong mùa dịch, bạn nhé.

Chủng ngừa vắc xin cho bé vẫn là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất để ngăn ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus

Rotavirus rất cứng đầu, dễ lây lan

Khi nhiễm bệnh, 1ml phân của trẻ có thể chứa tới hơn 1 nghìn tỷ vi-rút rota. Nhưng chỉ cần chưa đến 10 con vi-rút trong số này cũng đã đủ lây bệnh cho trẻ khác, trong đó có con bạn. Nguy hiểm hơn, loại vi-rút này sống rất dai dẳng, có thể sống 4 giờ trên bàn tay, vài ngày đến vài tuần trên các bề mặt rắn.

Sau khi phát tán vào môi trường, Rotavirus bám dính ở tay, sàn nhà, nắm cửa, đồ chơi, đồ vật trong gia đình, chăn, màn… và không thể bị tiêu diệt bởi các biện pháp vệ sinh thông thường mà chỉ bị tiệt trừ bởi các dung dịch diệt khuẩn có chứa cồn. Nếu trẻ cho tay vào miệng sau khi tiếp xúc với các bề mặt nhiễm vi-rút sẽ rất dễ nhiễm bệnh.

Rotavirus có thể lây qua cả đường hô hấp vì người ta đã tìm thấy sự hiện diện của chúng trong dịch tiết đường hô hấp của trẻ bị bệnh.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus gây mất nước nhanh chóng dẫn đến tử vong

Khi bị tiêu chảy cấp do Rotavirus, trẻ đi ngoài và (hoặc) ói có khi đến 20 lần/ngày, kéo dài 5–8 ngày. Tình trạng này gây mất nước nhanh chóng và nếu bé không uống bù nước, bù điện giải, cách duy nhất là phải nhập viện để truyền tĩnh mạch.

Bạn có thể nhận biết bé mất nước qua các dấu hiệu: bé khó chịu, bồn chồn, ngủ lịm, mắt trũng, miệng, lưỡi và da khô, ít đi tiểu, tã khô… và đưa đến bác sỹ càng sớm càng tốt.

Phải cho trẻ uống vắc-xin ngừa Rotavirus trước 6 tháng tuổi

Giai đoạn 6 tháng đến 2 tuổi là thời kỳ nguy cơ cao nhiễm Rotavirus, vì thế muốn phòng ngừa, bạn nên cho con uống trước giai đoạn 6 tháng tuổi.

Bé đã nhiễm bệnh vẫn nên chủng ngừa

Nguyên nhân vì trẻ sẽ nhiễm rất nhiều lần trong đời và càng khó phòng tránh khi bé đến độ tuổi đi học, tiếp xúc với những nơi công cộng, thích cắn tay, đồ chơi.

Tích cực bảo vệ con bằng vệ sinh sạch sẽ

Ngoài việc chủng ngừa, bạn nên:

♣ Rửa tay sạch khi chăm bé, tạo thói quen rửa tay trước khi cho bé cầm thức ăn.
♣ Sát trùng các bề mặt, đồ chơi của bé mỗi ngày bằng chất tẩy rửa và khử trùng.

Mục Sức khỏe − Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua