Tiếng hoa nở: Tinh khiết như chuông ngân vọng lại

Mới đầu tôi quả quyết làm gì có tiếng hoa nở. Nhưng rồi khi tôi thử nhắm mặt lại, đặt đóa hoa sát bên tai, quả nhiên, một chuỗi cười như tiếng chuông ngân vọng lại, trong trẻo như nước hồ thu...

(Tiếng hoa nở) Lần đó tôi bị lạc ở một vùng hoang, một mình đi suốt cả một ngày một đêm quanh khe suối lớn. Sở dĩ tôi đã quay về được chỗ cắm trại nhưng vừa mới rửa mặt xong, lúc tôi sắp xếp lại bao địa chất thì phát hiện bị mất bản đồ. Những thứ khác mất thì không thành vấn đề, nhưng mất bản đồ thì quả là nghiêm trọng. Trước đây đội viên địa chất làm mất tấm bản đồ như thế có thể bị kỷ luật ba năm. Bây giờ không kỷ luật nhưng vẫn phải chịu giáng chức hoặc phạt tiền ở đơn vị. Vì vậy, tôi cần phải đi tìm tấm bản đồ ấy về. Bởi vì nó mất từ trong tay tôi. Tôi nhớ lúc đeo găng tay tôi đã đặt nó trên một cái chạc cây, đeo găng tay xong đi lấy vật mẫu, lấy vật mẫu xong lại quên lấy tấm bản đồ. Đi đến mỏ làm việc lúc sáng, tấm bản đồ quả nhiên vẫn còn nằm trên chạc cây, gió thổi làm nó cứ đưa qua đưa lại giống như là đang vẫy tay với tôi.

Cầm tấm bản đồ, lòng tôi nhẹ nhàng đi rất nhiều, lúc quay về tôi cứ việc đủng đỉnh mà đi. Không biết sơ sẩy thế nào, tôi làm rớt chiếc đèn pin. Trời dần tối. Đi hơn 2 tiếng đồng hồ, tôi mới phát giác càng đi càng không đúng hướng, may mà lúc này gặp một người thợ săn, hỏi ông ta thì mới biết mình đã đi sai rồi. Lúc này tôi chỉ muốn khóc to một trận, bởi vì vẫn chưa ăn cơm chiều, tôi thật sự vừa mệt vừa đói. Chẳng còn sức lực để đi tiếp, tôi đành phải đi một lúc nghỉ một lúc.

Trời vừa sáng, tôi gõ cửa một nhà bên đường, muốn xin một bát cơm. Người đàn ông nhìn tôi đầy nghi ngờ. Tôi đã không còn sức mà giải thích nữa bèn lấy giấy chứng minh ra đưa cho ông ta, nhưng ông ta không biết chữ. Tôi đành phải nói mình là nhân viên địa chất, tối qua bị lạc đường, đến giờ vẫn chưa ăn cơm. Ông ta vẫn nghi ngờ không tan, tôi nghĩ chắc ông ta tiếc rẻ nên nói:
– Anh yên tâm đi, tôi ăn cơm sẽ trả tiền mà.
Ông ta xúc cho tôi một bát cơm ngô đầy ắp, vừa nguội vừa cứng. Ông ta nói:
– Không có thức ăn, tôi sợ anh ăn không nổi. Người làm việc như các anh chưa từng ăn cơm không như thế này mà.

Tieng hoa no hinh anh 1

Tôi đói đến không còn biết kén cá chọn canh nữa. Tôi lấy bình nước múc đầy nước lạnh đặt lên bàn, ăn một miếng uống một miếng. Ăn xong tôi trả ông ta ba mươi ngàn, nói lời cảm ơn rồi đi. Mặc dù cơm đó khó nuốt nhưng ăn xong không bao lâu thì sức lực đã quay về. Đi chưa bao xa thì tôi nghe đằng sau lưng một tiếng “này”. Quay đầu lại nhìn thì thấy một bé gái khoảng 14 – 15 tuổi đang chạy về phía tôi. Con bé nói:
– Cháu gọi chú mấy tiếng rồi, chú vẫn không hay.
– Chú không biết “này” là gọi chú mà. – Tôi đáp.
Con bé chạy tới trước mặt tôi, thở hổn hển, trên mũi còn lấm tấm mồ hôi, trong tay nó cầm giấy chứng minh và ba mươi ngàn của tôi. Con bé nhét chúng vào tay tôi, sau đó quay người chạy mất. Tôi lớn tiếng gọi:
– Cháu cầm tiền này về đi!
Con bé không thèm quay đầu lại, chỉ để lại tràng cười như tiếng chuông ngân.
Tôi nhất thời không biết làm thế nào, đứng ngẩn ra nhìn theo bóng con bé.

Nhà cháu nghèo, số tiền ấy đủ để cháu học hết cấp hai. Nhưng càng muốn đi học, lòng cháu lại càng sợ sau này các chú nhớ tới bé Út sẽ nói con bé này không biết xấu hổ. Hôm nay cháu trả lại số tiền chú đưa dư mà trong lòng nhẹ nhàng (Trích Tiếng hoa nở)

(Tiếng hoa nở) Chúng tôi ở một thị trấn nhỏ, mời một người đàn ông hơn 40 tuổi nấu cơm cho chúng tôi. Ông ta nấu một tháng thì chê lương chúng tôi trả quá thấp, nói thà đi đào than còn hơn. Ở thị trấn nhỏ này không có quán cơm, có đi nữa chúng tôi cũng kham không nổi. Tôi nhờ ông ta giới thiệu giúp một người khác, ông ta nói ông ta có một cháu gái, gọi là bé Út, rất đảm đang. Ngày hôm sau ông ta dẫn cháu gái đến, tôi vừa nhìn chợt nhận ra chẳng phải là bé gái trả tiền cho tôi hôm nọ hay sao? Con bé mặc chiếc áo sơ-mi nam nhàu nát, rất cũ, không hợp với người chút nào. Trong lòng tôi nghĩ, thuê nó thì nó quá nhỏ, không thuê nó, từng ăn cơm nhà nó thì cảm thấy không phải với nó. Con bé nhìn ra được ý nghĩ của tôi, nó nói:
– Chú yên tâm đi. Cháu 7 tuổi đã bắt đầu nấu cơm cho cả nhà rồi, có gì không biết thì chú chỉ cần nói với cháu. Chú bảo cháu làm thế nào thì cháu sẽ làm thế đó. Cháu bảo đảm sẽ nghe lời chú.
Tôi không thể từ chối nữa. Ai ngờ bữa cơm đầu tiên nó đã nấu không xong, nấu đến cơm cháy khét đen. Không ai nói gì nó nhưng nó buồn khóc cả một buổi. Nó bảo cơm mà nhà nó nấu toàn là cơm ngô, nấu gạo là lần đầu tiên, đổ nước ít quá nên cơm khô thế này đây. Tôi bảo nó không cần khẩn trương. Nó nói:
– Gạo trắng tinh thế này thật là tiếc.
Tôi và mấy đồng nghiệp cố ý tranh nhau ăn nồi cơm khét ấy, nói là cơm này giúp tiêu hóa tốt. Con bé lúc này mới quẹt nước mắt mà bật cười. Nó rất thông minh. Tôi chỉ vài món ăn nó đã nấu được, mọi người cứ khen không ngớt lời. Ngoài việc nấu cơm ra, nó còn giành giặt quần áo cho chúng tôi. Không thì lên núi giúp chúng tôi vác mẫu vật. Nó rất thích cười, cười đến trời đất cũng tươi sáng ra. Mỗi ngày chúng tôi leo núi rất vất vả, nhưng về đến “nhà”, vừa nhìn thấy cô gái nhỏ ấy đều không cảm thấy mệt nữa. Kỳ lạ nhất là suốt cả hai tháng, không ai xin nghỉ phép cả. Không giống như trước đây, người thì muốn về nhà thăm vợ, người thì muốn về thăm con.

Tieng hoa no hinh anh 2
Đội phân cho tôi làm chủ việc mời công nhân, phát bao nhiêu lương cũng là việc của tôi, người khác bình thường không hỏi tới. Thế mà hôm ấy anh chàng Hải Sơn lại cật lực hỏi tôi.
– Một tháng trả cho bé Út bao nhiêu tiền?
– 1 triệu 200 ngàn.
– Mỗi người nhận được hơn 100 ngàn sinh hoạt. Chúng ta có 8 người, vừa đúng góp thành 2 triệu cho con bé. – Sơn nói.
– Có người sẽ có ý kiến cho mà xem. – Tôi bảo.
– Chết tiệt, người nào có ý kiến thì không phải là người, anh không thu tôi đi thu. – Sơn bỗng nổi nóng với tôi.
Lúc tôi đưa tiền cho bé Út, con bé hỏi:
– Sao lại thành 2 triệu hả chú? Chẳng phải nói là 1 triệu 200 ngàn sao?
– Cháu đừng lo, cho cháu thì cứ cầm lấy đi.
Nó hơi do dự, tôi nói:
– Là cháu nhớ sai rồi đó, lúc ấy chú nói là cho cháu 2 triệu mà.

(Tiếng hoa nở) Bé Út nấu cơm cho chúng tôi ba tháng. Công việc xong xuôi, chúng tôi phải chuyển đi nơi khác. Ngày cuối cùng người khác chuyển đi trước, tôi ở lại lấy thêm mẫu vật. Lúc tôi từ mỏ về, không nhìn thấy con bé nữa, cơm nước đã dọn sẵn. Ăn xong, tôi đi thu dọn hành lý mới phát hiện ở bên cạnh gối nằm có một tờ giấy, còn có hơn 2 triệu đồng, tờ giấy đó viết:
“Chú. Cháu không nhớ sai, là chú nhớ sai rồi. Lúc đầu nói là 1 triệu 200 ngàn. Nhưng mỗi lần chú trả tiền cho cháu, cháu đã giả bộ như không biết gì. Cháu như thế gọi là “thấy tiền sáng mắt” phải không chú? Nhà cháu nghèo, cháu học được nửa năm cấp hai thì phải nghỉ rồi, có được 6 triệu đủ để cháu học hết cấp hai nhưng cháu càng muốn đi học thì trong lòng càng sợ. Cháu sợ sau này các chú nhớ tới bé Út sẽ nói con bé này không biết xấu hổ! Hôm nay cháu trả lại số tiền mà chú đưa dư ra, trong lòng nhẹ nhàng rất nhiều”.
Trên tờ giấy còn ép một đóa hoa còn đang nụ. Con bé thích hoa, nhưng nó không cài lên tóc, cũng không phải để ngửi mùi hương. Tôi nhớ con bé cắm hoa vào bình, nói là thích nghe tiếng hoa nở. Tôi bảo lúc hoa nở làm gì có tiếng chứ? Nó nói: “Chú nhắm mắt lại thì có thể nghe được, muốn nghe âm thanh gì sẽ nghe được âm thanh đó”. Tôi nhắm mắt lại, đặt đóa hoa sát bên tai, quả nhiên, một chuỗi cười như tiếng chuông ngân vọng lại, trong trẻo như nước hồ thu…

Bài: Nguyệt Quế
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua