Thấu cảm và Cơn bão căm ghét

Ngôn từ trong thời đại mạng xã hội đã trở thành một dạng bạo lực, để đám đông ném đá, đấu tố, chửi rủa cho bõ ghét. Một ví dụ điển hình gần đây liên quan tới đề thi Ngữ Văn tại kỳ thi Quốc gia THPT tuần rồi, có sử dụng trích dẫn trong... Read more »

Ngôn từ trong thời đại mạng xã hội đã trở thành một dạng bạo lực, để đám đông ném đá, đấu tố, chửi rủa cho bõ ghét. Một ví dụ điển hình gần đây liên quan tới đề thi Ngữ Văn tại kỳ thi Quốc gia THPT tuần rồi, có sử dụng trích dẫn trong cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Điều đáng suy ngẫm ở đây là từ khóa “thấu cảm” đã trở thành lý do khiến tiến sĩ Giang bị ném đá, nhục mạ không thương tiếc vì nhiều người cho rằng nó vô nghĩa và khó hiểu.

Xét ở khía cạnh ngành giáo dục đang khát khao cải cách để thoát khỏi lối mòn giáo điều, đề thi này có thể coi là một tín hiệu mừng. Nó khuyến khích học sinh hướng đến lòng trắc ẩn và khoan dung trong tự thân tư duy. TTGĐ trao đổi với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang về vấn đề người Việt dường như đang không hiểu tiếng Việt, anh chia sẻ: “Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nhiều người dường như lần đầu tiên nghe thấy chữ “Thấu cảm”, mặc dù đó là cách dịch chính thức từ khái niệm tiếng Anh “empathy”, một khái niệm hết sức phổ biến trong bất cứ xã hội nào. Tôi không rõ lý do, nhưng phỏng đoán có lẽ việc chữ này ít được sử dụng trong tiếng Việt bắt nguồn từ việc khái niệm này không được coi trọng trong xã hội. Nếu quả thực như vậy thì thực đáng lo ngại và chúng ta cần phải thay đổi hiện trạng này”.

Thaucam

Thấu cảm trở thành một từ khóa để cư dân mạng đùa giỡn. Nếu nhìn nhận vấn đề này ở góc độ khách quan, tại sao người ta có thể đùa giỡn với một điều tử tế, khi một hạt mầm lành được rải đi với thiện ý thì được đón nhận trong sự dã man của đám đông. Nó nói lên một phần thực trạng xã hội. Người ta có thể đùa giỡn với tất cả mọi thứ, không những chỉ với thiện ý, mà còn với những thứ khác to lớn hơn nhiều: số phận một cá nhân, một tai nạn, một cuộc khủng bố trên diện rộng.

Có thể vì chúng ta đang sống trong thời đại của giải trí, tiêu khiển; điều gì cũng có thể được biến thành trò đùa, từ một phát ngôn tới đời tư của người khác. Chế giễu người khác đem lại cảm giác ta ưu việt, thông thái, đứng bên trên những kẻ “đần độn”, “ngớ ngẩn” kia. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang gọi hiện tượng này là “làm nhục mua vui”. Sự đắc thắng là liều thuốc gây nghiện cho nhiều người.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng lạc quan cho rằng, thực ra vẫn còn rất nhiều người khác không như vậy, họ không ồn ào trên mạng xã hội. Do đó, không nên quá để ý tới những câu chuyện đang râm ran trên mạng. Mạng xã hội có xu hướng khơi cái tiêu cực trong con người ra bên ngoài.  Nên những giao tiếp, đối thoại trên mạng sẽ cực đoan hơn ở ngoài đời. Trên mạng xã hội, những rào cản nhất định ngăn cản cái xấu xí bị vô hiệu hóa. Khi mặt đối mặt, người ta khó văng vào mặt nhau những lời nhục mạ, vì còn nhìn thấy mắt nhau. Trên mạng, những rào cản này mất đi, nên người ta vô tư hơn, vô cảm hơn.

Trong cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone, tiến sĩ Giang viết rất nhiều về vấn đề này. Không chỉ nhìn trực diện vào cái ác, cuốn sách còn nêu lên một con đường vực dậy sự tử tế và lòng trắc ẩn. Anh chia sẻ: “Để định hướng cho quan hệ người với người trong xã hội, phê bình với thiện chí và ngôn ngữ bất bạo lực là những trụ cột đặt trên một nền tảng là sự tử tế. Đó là một khái niệm không thời thượng trong thời đại của tốc độ và nghệ thuật kiếm tiền. Nhưng chính vì thế mà nó quan trọng.
Suy ngẫm về sự tử tế trong bối cảnh 30 năm trước, bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm rung động xã hội thời bấy giờ. Trong phim, tác giả kêu gọi chúng ta “đặt tử tế lên bàn thờ tổ tiên, hay trên lễ đài của quốc gia”. Thiếu nó, những “nỗ lực tột bậc” và “chí hướng cao xa” của một cộng đồng sẽ chỉ còn là “những điều vớ vẩn”.

Vậy, thấu cảm có lẽ không vớ vẩn như số đông cư dân mạng đang lên án.

NGUYỄN HẬU

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua