TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang chịu đợt nắng nóng cao điểm. Chỉ số tia cực tím tại TP HCM ngày 26 và 27/3 ở mức 12.
Khi chỉ số tia UV từ mức 11, nguy cơ làm da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. UV mức 8-10, thời gian gây bỏng da khoảng 25 phút.
Các chuyên gia khuyến cáo khi UV từ 3 trở lên phải mặc áo chống nắng; đeo kiếng mát che chắn để bảo vệ cơ thể. Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cơ thể càng lớn, có thể gây lão hóa dal ung thư da, khởi phát và làm nặng hơn những bệnh có liên quan đến ánh sáng như lupus ban đỏ, viêm da cơ…
Tia cực tím cũng gây tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm… Các nguy cơ do ảnh hưởng của tia UV đến da và mắt sẽ được cộng dồn; tích lũy dần trong suốt cuộc đời nên cần bảo vệ tối đa từ khi còn nhỏ; tránh các bệnh khởi phát sau này.
Tia UV chia làm ba loại gồm UVA, UVB, UVC.
Trong khi UVA là tác nhân gây lão hóa da thì UVB là tia nguy hiểm, có khả năng gây bỏng nặng và ung thư da. Tuy UVC được mệnh danh là “tia hủy diệt” vì tàn phá nặng nề đến cơ thể các sinh vật sống nhưng chỉ xuất hiện ở những khu vực bị thủng tầng ozone. Việt Nam may mắn không nằm trong số đó.
Tia UV đến từ ánh sáng mặt trời nên phương pháp chống tốt nhất là chống nắng. Thời gian hoạt động mạnh nhất của các tia UV là từ 10 đến 15h. Tuy nhiên những thời gian khác vẫn có tia UV.
Bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ và khả năng chống tia UVA/UVB bất kể khi nào tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, đặc biệt những người thường xuyên làm việc dưới ánh nắng trực tiếp.
Sử dụng nón rộng vành, áo chống nắng, kính mát và các vật dụng che chắn cũng giúp bảo vệ sức khỏe da dưới tác động của các tia UV.
Trẻ em cần được đặc biệt chú ý phòng tránh tác hại của tia UV. Làn da của trẻ vốn non nớt và dễ tổn thương. Trẻ thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về da do tác hại từ tia cực tím cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành.
Tiếp Thị Gia Đình