Thưởng Tết, không bắt buộc nhưng là đạo lý
Còn vài ngày nữa sẽ kết thúc năm 2015, đây là thời điểm các công ty bận rộn đánh giá mức độ hoàn thành công việc, sự đóng góp cho doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh để tính toán mức thưởng Tết cho người lao động.
Theo Điều 103 Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng Tết âm lịch sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Việc trả tiền thưởng Tết âm lịch không phải là quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện mà chỉ là khuyến khích người sử dụng lao động nên có chế độ đãi ngộ tốt nhất cho người lao động để họ tăng gia sản xuất.
Như vậy, với cơ chế như hiện nay, người lao động không thể đòi hỏi sự minh bạch và công khai về tình hình tài chính. Do đó, họ không có căn cứ để đòi hỏi một mức thưởng Tết tương xứng.
Nói về việc này, một nữ doanh nhân cho rằng việc thưởng Tết cho người lao động là điều luật không bắt buộc. Song đây cũng là điều doanh nghiệp nên làm và hợp đạo lý. Sau một năm làm việc, dù doanh nghiệp trả lương cao cho người lao động thì đó cũng là cuộc “mua bán” sòng phẳng, tương xứng với công sức họ bỏ ra. Còn thưởng Tết lại khác, nó thể hiện thiện chí, sự tri ân của doanh nghiệp với sự đóng góp của người lao động.
Rục rịch nhiều doanh nghiệp thưởng Tết
Theo lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, kinh tế năm nay khởi sắc, lương và thu nhập ổn định. Vì vậy thưởng Tết 2016 có thể cao hơn năm 2015. Cùng với suy nghĩ tri ân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch chuẩn bị thưởng Tết.
Giám đốc nhân sự một ngân hàng thương mại tại TP. HCM đánh giá nhìn chung tình hình kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2015 khá ổn định. Theo vị này, thăm dò từ các ngân hàng thương mại khác cho thấy mức thưởng Tết và phúc lợi sẽ tăng nhẹ. Tùy vị trí và mức độ hoàn thành công việc, mức thưởng cao nhất là chín tháng thu nhập đối với nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Còn những nhân viên khác, tùy vị trí sẽ có mức thưởng dao động 1,2-2 tháng thu nhập (bình quân 13,8 triệu đồng/tháng).
Theo Giám đốc một công ty may mặc TP. HCM, doanh số kinh doanh của nhà máy có sụt giảm, tuy nhiên mức thưởng cho người lao động không vì thế mà bị kéo giảm, dự kiến mức thấp nhất khoảng một tháng lương (khoảng 3,7 triệu đồng/tháng).
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến khích lương, thưởng
Để tránh tình trạng doanh nghiệp nợ lương, khất thưởng với người lao động dịp Tết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản đôn đốc các địa phương kiểm tra, báo cáo tình hình lương, thưởng tại các doanh nghiệp về Bộ trước ngày 30–12.
Liên quan đến quyền lợi của người lao động trong những dịp nghỉ lễ, Tết, theo Bộ Luật lao động, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây:
Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1–1 dương lịch);
Tết Âm lịch 5 ngày;
Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30–4 dương lịch);
Ngày Quốc tế Lao động 1 ngày (ngày 1–5 dương lịch);
Ngày Quốc khánh 1 ngày (ngày 2–9 dương lịch);
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10–3 âm lịch).
Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.
Nếu những ngày nghỉ theo quy định trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Tiếp Thị Gia Đình