Thực phẩm độc hại bủa vây người tiêu dùng

Nhiều vụ ngộ độc thức ăn nghiêm trọng, thậm chí gây chết người trong thời gian gần đây, gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng tràn lan các chất phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm

Các loại phụ gia được bán tràn lan. Ảnh: Petrotimes

Vì tham lợi nhuận, nhiều cá thể, đơn vị kinh doanh đã sử dụng các loại hóa chất rẻ tiền trong chế biến thực phẩm. Trong năm 2014 và đầu năm 2015, nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị phát hiện và xử phạt. Trong đó, đáng chú ý là trường hợp lò chế biến chà bông bẩn tại huyện Bình Chánh (TP. HCM) sử dụng chất sodium cyclamate (đường hóa học, chất cấm dùng trong thực phẩm) xuất xứ Trung Quốc nhằm tạo vị ngọt giả cho thực phẩm, có khả năng gây ung thư với người sử dụng. Tang vật thu giữ tại hiện trường lên đến trên 1,1 tấn, trong đó có hơn 800kg thành phẩm chờ đi tiêu thụ.

Cục An toàn thực phẩm cũng phát hiện Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thần Tài (TP. HCM) cung cấp phụ gia bánh mì có sử dụng chất kali bromate đi nhiều tỉnh lân cận. Kali bromate được sử dụng để tăng cường chất lượng bột mì, làm bột nhào đặc và chắc hơn. Đây là chất không thuộc danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng vì có khả năng gây ung thư.

Tại TP. Cần Thơ, kiểm tra cơ sở sản xuất đậu hũ Bình Minh, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại hóa chất để làm phụ gia, trong đó có hydro sulfit (để làm trắng) và hóa chất food additives BZ.168 (để làm dai sản phẩm). Các chất tẩy trắng gốc sulfit (còn gọi là bột chua) được sử dụng rộng rãi trong ngành dệt nhuộm, tẩy trắng bột giấy, đất sét cao lanh… là những hợp chất độc hại bị cấm dùng trong thực phẩm vì có thể gây ung thư, hen suyễn, bệnh về hô hấp…

Trước tình hình đó, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các tỉnh thành tăng cường giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử phạt các cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng các chất phụ gia độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Tuy nhiên, các hình thức xử phạt dường như chưa đủ tính răn đe nên một số nhà sản xuất tham lợi nhuận, tiếp tục sử dụng các loại hóa chất độc hại rẻ tiền để chế biến thực phẩm. Mặt khác, việc mua những loại hóa chất này rất dễ dàng vì chúng được bán tràn lan ở chợ Kim Biên (Q. 5, TP. HCM).

Theo lời một người kinh doanh phụ gia thực phẩm “hướng dẫn”: “Để xương bò, xương heo hầm mau mềm, rau luộc có màu xanh non, lạp xưởng có màu đỏ tươi bắt mắt… chỉ cần cho một ít muối diêm lạnh. Thực phẩm khô như cá khô, trái cây khô, các loại đỗ… muốn để bán lâu dài mà không hư, cần cho vào ít thuốc chống mốc. Chả cá, chả quế, chả lụa muốn dai; dưa chua muốn vàng, giòn, thì cho chút hàn the. Đậu phụ muốn được ngon, trắng, không bị vỡ và chắc, thì bỏ chút thạch cao vào…”.

Như vậy, khi những luật lệ, chế tài của nhà nước còn chưa đủ “thức tỉnh” một số nhà sản xuất hám lợi, bạn hãy là người tiêu dùng thông minh để tự bảo vệ mình và người thân bằng cách chọn mua hàng tại những địa chỉ đáng tin cậy.

Tổng hợp

 

Đừng bỏ qua