Thực phẩm biến đổi gien có thật sự an toàn và tốt cho sức khỏe?

Dân số thế giới ngày càng gia tăng. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng thiếu hụt thực phẩm là điều khó tránh khỏi trong tương lai không xa. Thực phẩm biến đổi gien ra đời và liệu có là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này?

biến đổi gien

Mục đích của việc tạo ra các giống cây trồng biến đổi gien là làm tăng khả năng chống cỏ dại; chống sâu bệnh và tăng hàm lượng dưỡng chất cho cây trồng. (Ảnh: Shutterstock)

Hiện nay, các loại thực phẩm biến đổi gien (GMO) ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, tác hại của loại thực phẩm này đối với sức khỏe con người vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng thực phẩm biến đổi gien không tốt cho sức khỏe con người. Nhưng cũng có không ít ý kiến ủng hộ những lợi ích mà thực phẩm này mang lại. Thực hư ra sao?

Thế nào là thực phẩm biến đổi gien?

Biến đổi gien là một thành tựu của nền khoa học thế giới từ đầu những năm 1980. Thuật ngữ “thực phẩm biến đổi gien” ban đầu được dùng để chỉ những loại cây trồng; hoặc gia súc được biến đổi gien trong phòng thí nghiệm thông qua kỹ thuật di truyền. Sau đó, khi được nuôi trồng rộng rãi bên ngoài. Nó còn có tên gọi khác là thực phẩm sinh học.

Mục đích của việc tạo ra các giống cây trồng biến đổi gien là làm tăng khả năng chống cỏ dại; chống sâu bệnh và tăng hàm lượng dưỡng chất cho cây trồng. Quan trọng hơn nữa, cây trồng sẽ cho năng suất cao hơn. Đặc biệt, nó còn giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lương thực do dân số thế giới ngày càng tăng.

Cây trồng biến đổi gien được trồng đại trà ra sao?

Đã có nhiều nước ứng dụng công nghệ này vào trồng trọt trên diện rộng như là Mỹ, Brazil, Argentina, Ấn Độ… Theo thống kê Statista của Đức, tính đến năm 2018, Mỹ có khoảng 75 triệu ha trồng GMO. Tiếp theo sau là Brazil với 51,3 triệu ha và Argentina với 23,9 triệu ha.

Ít ai biết, loại cây đầu tiên được biến đổi gien là cây thuốc lá với có khả năng kháng lại thuốc diệt cỏ vượt trội. Cây thuốc lá GMO sau đó được trồng thử nghiệm tại Mỹ và Pháp vào năm 1986. Tới năm 1993, Trung Quốc là nước đầu tiên thương mại hóa cây trồng này. Đó là cây thuốc lá kháng sâu bệnh.

Năm 1994, Mỹ đưa cà chua biến đổi gien ra thị trường với đặc tính chín chậm. Tới nay, ở quốc gia này hiện có 11 loại hoa màu được biến đổi gien. Cụ thể là bắp, khoai tây, cải dầu, bông, cỏ linh lăng, củ cải đường, bí ngòi, đu đủ, táo, cà chua và đậu nành. Tại Việt Nam, cây đậu nành biến đổi gien hiện đang chiếm hơn 90% thị trường đậu nành.

Tại sao thực phẩm biến đổi gien lại được ưa chuộng?

Cây trồng biến đổi gien có nhiều lợi thế mà các loại cây trồng bình thường không thể có. Cụ thể là:

Kháng sâu bệnh

Các cây trồng này có khả năng kháng lại côn trùng, sâu bọ. Nhờ đó, lượng hóa chất và thuốc trừ sâu sử dụng cho cây sẽ giảm đi. Người nông dân và người tiêu dùng cũng giảm tiếp xúc với các thành phần độc hại từ thuốc trừ sâu.

Năng suất cao

Một lợi ích khác mà công nghệ này mang lại chính là giúp cây trồng chống chịu được sự biến động của thời tiết. Điều đó có nghĩa chúng sẽ cho ra vụ mùa mang chất lượng tốt; hay năng suất cao ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.

Lợi ích về dinh dưỡng

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, một số loại thực phẩm biến đổi có khả năng bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết cho con người. Đơn cử như gạo vàng. Tổ chức này dẫn chứng loại gạo vàng có hàm lượng vitamin A cao vượt trội so với gạo thông thường.

Tạo ra các giống cây trồng mới

Một số nhà khoa học đã lai tạo ra nhiều giống cây mới có thể phát triển ở những vùng khí hậu khắc nghiệt.

Giảm nạn phá rừng

Để cung cấp đủ cho dân số ngày càng tăng, con người không còn cách nào khác ngoài việc phá rừng. Tuy nhiên, trồng các loại cây biến đổi gien sẽ giảm thiểu tối đa việc mất rừng do năng suất thu hoạch tăng lên. Giảm chặt phá rừng cũng góp phần làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

Giá thành rẻ

Nuôi trồng các loại cây này tốn rất ít chi phí mà lại cho ra năng suất cao. Vì thế, giá thành sẽ giảm và hạn chế tình trạng nghèo đói ở các nước thế giới thứ ba.

Những ý kiến trái chiều

Đến nay, trên thế giới vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy nguy cơ gây hại của thực phẩm này. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận định, thực phẩm GMO cũng có thể dẫn đến những rủi ro như gây dị ứng và lờn thuốc. Thậm chí, chúng cũng có thể làm kích hoạt các gien không mong muốn. Hoặc chúng có thể gây nên tình trạng rối loạn quá trình chuyển hóa.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khẳng định, GMO có khả năng gây hại cho môi trường. Nguyên do là vì nguy cơ thay đổi hệ sinh thái và làm xuất hiện những loại virus mới có hại. Đặc biệt, việc lai tạo sẽ khiến các loài sâu bệnh lì lợm hơn. Vì đó, nó buộc người nông dân phải cần loại thuốc có độc tố mạnh hơn để tiêu diệt chúng. Chính vì những yếu tố đó, vào năm 2014, đã có 26 quốc gia trên thế giới ban lệnh cấm nuôi trồng các sản phẩm GMO.

Mặc dù được cho là sẽ giúp giảm thiểu chi phí thuốc trừ sâu và gia tăng năng suất. Thế nhưng trong thực tế, những người nông dân lại bị lệ thuộc vào công ty hạt giống và buộc phải mua hạt giống mới. Nguyên nhân là vì hạt giống bị biến đổi được mua năm đầu tiên có thể không thụ phấn được ở các vụ mùa tiếp theo.

Chúng ta có nên sử dụng thực phẩm biến đổi gien vào trong đời sống hằng ngày?

Với băn khoăn trên, TS. BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã chia sẻ: “Cho đến thời điểm này, toàn thế giới vẫn chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh được thực phẩm biến đổi gien gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngược lại, chúng đã được khảo nghiệm, nghiên cứu về tính an toàn nghiêm ngặt nhất trong tất cả các thực phẩm. Bên cạnh đó, lịch sử hơn 30 năm nghiên cứu với khoảng 2.000 đánh giá khoa học độc lập trên toàn cầu đã cho thấy nó có mức độ an toàn tương đương các thực phẩm thông thường”.

Thực phẩm GMO trong nước

TS. BS Trương Hồng Sơn cũng cho biết rằng Việt Nam đang thực hiện việc dán nhãn thực phẩm biến đổi gien theo quy định quốc tế lên những sản phẩm có hơn 5% thành phần từ nguyên liệu biến đổi. Cụ thể, cụm từ “biến đổi gien” bằng tiếng Việt sẽ được in cạnh tên các thành phần nguyên liệu kèm hàm lượng theo quy định. Người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết và cân nhắc để lựa chọn sản phẩm có hoặc không có thành phần GMO.

Mặc dù Việt Nam chỉ mới công nhận 4 giống ngô biến đổi gien. Nhưng trong nước việc nhập khẩu thực phẩm này đã có từ lâu. Để phân biệt thực phẩm GMO, bạn cần chú ý đến con số trên mã code. Nếu trên tem có dãy số gồm 5 chữ số, bắt đầu bằng số 8 thì đây là loại thực phẩm GMO. Với những trường hợp chữ số đầu tiên bắt đầu bằng số 9 thì đó là loại thực phẩm 100% hữu cơ.

Những nguyên tắc an toàn trong chế biến thực phẩm

Dù sử dụng thực phẩm GMO hay không, bạn phải luôn đảm bảo các quy định an toàn về chế biến và đun nấu thực phẩm:

Chọn những thực phẩm GMO có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đọc kỹ các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng…

Khi chế biến, không để lẫn thực phẩm sống và chín

Sử dụng nước sạch để sơ chế, chế biến thực phẩm

Luôn giữ tay sạch sẽ trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm

Luôn nấu chín kỹ những loại thực phẩm này

Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín

Thức ăn đã nấu chín nếu không ăn hết cần được bảo quản cẩn thận

Tránh sự xâm nhập của các loài côn trùng, gặm nhấm hoặc các loài động vật khác

Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu mốc hỏng, quá hạn sử dụng

Giữ bề mặt chế biến, bàn bếp luôn khô ráo, sạch sẽ

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua