Ăn thực phẩm biến đổi gen có bị ung thư?

Dưa hấu không hạt, nho không hạt, bắp ngô “bảy sắc cầu vồng” là điển hình của thực phẩm biến đổi gen? Những thực phẩm biến đổi gen đang bao quanh bạn? Liệu những thực phẩm ấy có nguy hại tới sức khỏe người tiêu thụ?

Có lẽ bạn đã từng cầm trên tay một bắp ngô nếp “nguyên thủy”. So với bắp bây giờ, bắp ngô ấy khá nhỏ, hay bị sâu đục. Đã thế, rất nhiều bắp có lõi mà chẳng thấy hạt hoặc hạt thưa thớt. Đấy là thành quả của giống bắp tự nhiên. Ngày nay, bắp nào bắp ấy căng tròn, múp míp từ đầu đến cuối. Nhiều loại bắp khác nhau ra đời, không chỉ giúp năng suất cao mà còn chiều chuộng cả hình thức người tiêu dùng với những hàng hạt điểm “bảy sắc cầu vồng”. Đấy là thành quả của bắp đã lai tạo mà có thể gọi là thực phẩm biến đổi gen.

Cụm từ “thực phẩm biến đổi gen” ngày nay được nhắc đến rất nhiều. Nhưng đa số chúng ta vẫn chưa tường tận về nó.

Là cái gì mà tên kêu vậy?

Hiểu một cách đơn giản, thực phẩm biến đổi gen là các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng hoặc động vật đã có sự thay đổi gen theo cách không tự nhiên nhờ công nghệ sinh học. Thực phẩm biến đổi gen xuất hiện dưới tên tiếng Anh là Genetically Modified food, viết tắt là GM hoặc cũng được gọi với tên thực phẩm công nghệ sinh học.

Khi dân số gia tăng, nhu cầu thực phẩm ngày càng cao. Con người đã lai tạo giống nhằm giúp cây trồng; vật nuôi đạt được năng suất cao; có khả năng chống chọi tốt với thời tiết khắc nghiệt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh; tăng sức đề kháng đối với một số chất diệt cỏ; tăng hàm lượng dưỡng chất hay tạo ra sản phẩm có hình thức đẹp hơn, vòng đời lâu hơn. Người ta sẽ chọn các gen tốt của một sinh vật này chuyển vào một sinh vật khác; hay giữa các loài khác nhau để tạo ra một giống mới sở hữu những đặc tính như mong muốn.

Những thay đổi di truyền này còn nhằm mục đích giảm thiệt hại về môi trường; nhờ giảm được lượng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ sử dụng trên cây trồng.

Ví dụ, để tăng khả năng chống côn trùng; người ta sẽ cấy vào cây trồng gen sản xuất độc tố từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt). Độc tố này hiện đang được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu thông thường trong nông nghiệp và an toàn cho con người. Khi cây trồng biến đổi gen có khả năng tạo ra độc tố này, yêu cầu thuốc trừ sâu cho nó cũng thấp hơn; khả năng chống lại dịch hại cao hơn.

Một nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của giống cây trồng sinh học trong 20 năm (1996–2015); cho thấy: công nghệ sinh học đã giúp làm giảm lượng thuốc trừ sâu đang phun là 6.191 triệu kg. Công nghệ cũng đã làm giảm lượng khí thải nhà kính từ nông nghiệp; tương đương với việc loại bỏ 11,9 triệu chiếc xe ô tô lưu thông trên đường.

Việc sử dụng giống biến đổi gen bắt đầu vào cuối những năm 1990. Trong vòng chưa đầy một thế hệ; thế giới đã chuyển từ nền nông nghiệp không có bất kỳ sinh vật biến đổi gen nào sang nền nông nghiệp mà một nửa là sử dụng giống biến đổi gen.


Thực phẩm biến đổi gen – nghi ngại nguy cơ sức khỏe?

Có thể thấy, thực phẩm biến đổi gen đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà năng suất vẫn cao. Người tiêu dùng nhờ đó có thể sở hữu thực phẩm mong muốn với số tiền hợp lý. Thị trường thực phẩm cũng phong phú hơn với rất nhiều chủng loại mới ra đời. Nhưng một câu hỏi lớn cả thế giới đều muốn hỏi là; thực phẩm biến đổi gen có gây hại gì với sức khỏe con người hay không?

Câu trả lời là: không ai thực sự biết. Thực phẩm biến đổi gen có mặt trên thị trường từ năm 1994. Nghiên cứu về tác động lâu dài của chúng đối với con người vẫn còn rất khan hiếm.

Điều nhiều người nghi ngại là khi dùng thực phẩm biến đổi gen có thể gây dị ứng và kháng kháng sinh. Tuy nhiên, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO); trên thị trường hiện nay chưa tìm thấy một phản ứng dị ứng nào có liên quan đến thực phẩm biến đổi gen. Cũng chưa có nghiên cứu nào xác nhận việc thực phẩm biến đổi gen là thủ phạm gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng phổ biến trên thế giới.

Ăn vào sẽ dễ ung thư?

Thêm một vấn đề mà khi nhắc đến cũng đủ khiến bạn “thà nhịn chứ không ăn”, đấy là ung thư. Số người mắc ung thư mỗi năm luôn trên đà tăng khiến nhiều người quan ngại: Liệu có phải do thực phẩm biến đổi gen?

Tiến sĩ Kevin Folta, Đại học Florida; trả lời ngắn gọn với Forbes rằng: “Không có bằng chứng để thấy rằng thực phẩm biến đổi gen là nguyên nhân dẫn đến ung thư”.

Không những thế, các cây trồng biến đổi gen trong tương lai thậm chí có thể đóng vai trò trong phòng ngừa ung thư; bằng cách thiết kế cho chúng khả năng sản xuất các chất dinh dưỡng giúp chống ung thư; hoặc loại bỏ các hợp chất tự nhiên làm tăng nguy cơ ung thư. Tiến sĩ Folta lấy ví dụ: “Khi nấu ở nhiệt độ cao, khoai tây sản sinh ra một lượng nhỏ acrylamide; một chất gây ung thư tiềm năng. Nó đã được cải tiến để không sản xuất ra hợp chất đó và giúp bạn có thực phẩm an toàn hơn”.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể gom tất cả các thực phẩm biến đổi gen đặt vào cùng một mối lo. Mỗi loại cây trồng, vật nuôi biến đổi gen khác nhau được chèn vào các gen khác nhau theo các cách khác nhau.

Điều này có nghĩa, thực phẩm biến đổi gen có tính cá biệt rất cao và sự an toàn của chúng cần được đánh giá riêng biệt; theo từng trường hợp cụ thể. Không thể đưa ra tuyên bố chung về sự an toàn cho tất cả các thực phẩm biến đổi gen.

Trong một bài báo của tác giả Jeffrey M. Smith; ông đã đưa ra một khảo sát trên 3.256 người chuyển sang chế độ ăn thực phẩm không biến đổi gen. Kết quả, những người chọn chế độ ăn không thực phẩm biến đổi gen đã có những chuyển biến tích cực đối với 10 vấn đề sức khỏe hàng đầu: Vấn đề tiêu hóa 85,2%; mệt mỏi 60,4%, thừa cân hoặc béo phì 54,6%; tình trạng sương mù não bộ 51,7%; vấn đề lo âu/trầm cảm 51,1%; dị ứng thực phẩm 50,2%; khả năng ghi nhớ và tập trung 48,1%; đau khớp 47,5%, dị ứng theo mùa 46,6%; nhạy cảm với gluten 42,2%, mất ngủ 33,2%.

Bài viết của ông Jeffrey M. Smith đã gợi mở nhiều vấn đề. Tuy nhiên, “đấy chỉ là kết quả khảo sát, không phải là kết luận”; chính ông Smith thừa nhận.

Có nên sử dụng?

Tại Mỹ, có khoảng 60 đến 70% các loại thực phẩm bán ở siêu thị của Mỹ có thể chứa nguyên liệu là thực phẩm biến đổi gen. FDA đã xem thực phẩm biến đổi gen tương tự với thực phẩm sản xuất tự nhiên nên không cần phải dán nhãn riêng biệt.

Dân số ngày càng tăng, trái đất nóng lên; mất đa dạng sinh học tác động to lớn đến nguồn lương thực, thực phẩm của chúng ta. Đến năm 2050, sẽ có 9,5 tỷ người sống trên hành tinh này. Như vậy, trong vòng chưa đầy 50 năm tới; dân số thế giới dự kiến ​​sẽ tăng thêm 3 tỷ. Lấy đâu ra lương thực để đáp ứng nhu cầu của con người trong khi đất trồng trọt bị thu hẹp do xói lở, đô thị hóa và lượng nước phục vụ canh tác ngày càng ít đi? Trong điều kiện đó, việc sử dụng và mở rộng các giống cây trồng biến đổi gen là sự phát triển tất yếu?

Bất kể bạn ủng hộ hay tẩy chay, bạn vẫn đang hàng ngày sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Các thực phẩm phổ biến nhất là: cà chua, đu đủ, gạo, khoai tây, ngô, đậu nành, sữa, bí xanh, củ cải đường…

Và đó chính là tương lai.

Bài: Xoa Nguyễn

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua