Giải thích một số thuật ngữ thường thấy trong tử vi

Bạn đã bao giờ bạn thắc mắc "tam hợp", "lục hợp", "tam hội địa chi" là gì khi tìm hiểu về tử vi?

một số thuật ngữ trong tử vi thường thấy

Cùng TTGĐ tìm hiểu ý nghĩa của một số thuật ngữ trong tử vi phổ biến nhất (Ảnh: Shutterstock)

Tử vi, hay tử vi đẩu số, là một bộ môn huyền học dùng vào việc dự đoán số mệnh con người dựa trên nguyên lý âm dương, ngũ hành. Khi tìm hiểu về tử vi, sẽ có rất nhiều thuật ngữ bạn cảm thấy lạ lẫm. TTGĐ sẽ giúp bạn giải nghĩa những thuật ngữ thường thấy nhất trong bộ môn này.

Thuật ngữ trong tử vi cơ bản: Âm dương

Âm dương là hai cực mâu thuẫn, tương phản nhau nhưng đồng thời chúng vẫn tồn tại song song và phụ thuộc vào nhau. Không có thứ gì hoàn toàn dương hoặc âm. Trong âm có dương, trong dương có âm. Âm thịnh thì dương suy hoặc ngược lại.

Trong 12 cung của một lá số thì các cung Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất là cung dương. Còn các cung Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi là cung âm.

Bản mệnh

Bản mệnh còn có tên gọi khác là mệnh sinh hoặc mệnh cung sinh. Bản mệnh được xác định dựa vào năm sinh âm lịch. Mỗi người có một bản mệnh – đặc tính thể chất cơ bản của người đó. Bản mệnh gồm 2 yếu tố chính là: Hành của bản mệnh và nguyên thể của hành của bản mệnh.

Về hành, bản mệnh rơi vào 1 trong 5 hành: Kim, Thuỷ, Mộc, Hoả, Thổ. Hành chỉ thể chất căn bản của bản mệnh. Về nguyên thể, có tất cả 30 loại cho 5 hành. Mỗi hành có 6 loại.

Cục

Thuật ngữ trong tử vi này có thể được hiểu là thế cuộc, xã hội mà ta đang sống trong đó. Cục thường đi chung với một danh từ chỉ hành. Đó là Kim Cục, Thuỷ Cục, Mộc Cục, Hoả Cục và Thổ Cục. Vị trí an cục là vị trí ở giữa lá số, bên cạnh vị trí an bản mệnh. Cục và bản mệnh có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Cục được đánh giá qua sự tương sinh, tương khắc với bản mệnh để rút ra được ý nghĩa tổng quát nào đó về con người.

Chẳng hạn như Kim Mệnh đi với Thuỷ Cục thì tương sinh. Kim Mệnh đi với Mộc Cục thì tương khắc. Kim Mệnh đi với Kim Cục thì tị hoà, không tốt cũng không xấu.

Ngũ hành

Trong khái niệm ngũ hành, có 5 yếu tố chính tạo nên sự vật là: Kim (Sắt), Mộc (Gỗ), Thuỷ (Nước), Hoả (Lửa), Thổ (Đất). Mỗi cung của địa bàn có một hành:

  • Các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi: hành Thổ.
  • Các cung Thân, Dậu: hành Kim.
  • Các cung Dần, Mão: hành Thủy.
  • Các cung Tỵ, Ngọ: hành Hỏa.

Ngũ hành sinh khắc:

  • Ngũ hành tương sinh: Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim.
  • Ngũ hành tương khắc: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc.

Nếu ta coi ngũ hành như năm cánh sao của một ngôi sao, ta có thứ tự sau đây không thay đổi: Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy, ta thấy rõ những hành nào liền nhau thì tương sinh, còn những hành nào cách nhau thì tương khắc.

Địa chi

Thuật ngữ trong tử vi này hiểu đơn giản chính là 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Thời xưa, con người sống trong một quần thể có nhiều con vật như trâu, lợn, bò, gà… Nhờ đó mà con người có thể quan sát chúng, nắm rõ tập tính, thói quen của từng con vật ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Sau đó, họ đã dùng 12 con vật trên để biểu thị và gắn vào 12 địa chi.

Địa chi thuộc tứ trụ với hình, xung, khắc, hại, hợp. Địa chi được ghép vào nhật nguyệt và có ảnh hưởng rất lớn đến số mệnh con người, cây cỏ, sinh linh tuỳ theo thiên can địa chi xung khắc và hoà hợp.

Địa chi dương bao gồm: Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất.

Địa chi âm bao gồm: Sửu, Hợi, Mùi, Tỵ, Mẹo.

Tam hội địa chi

Thuật ngữ trong tử vi này dùng để chỉ các địa chi tụ họp lại với nhau thành “hội” hay thành “cục”. Các địa chi trong hội hay cục luôn có ý nghĩa tương trợ, tương sinh cho nhau. Khi các địa chi tụ họp sẽ tạo nên ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ.

Tam hội cục là nơi hội tụ khí vượng của một phương. Do đó, khí ngũ hành của tam hội cục mạnh nhất rồi mới đến tam hợp và lục hợp. Tam hội cục hội tụ 3 địa chi liên tiếp của các phương Đông Tây Nam Bắc như sau:

  • Phương Đông: Dần, Mẹo, Thìn
  • Phương Tây: Thân, Dậu, Tuất
  • Phương Nam: Tỵ, Ngọ, Mùi
  • Phương Bắc: Hợi, Tý, Sửu

Tam hợp

Tam hợp là bộ 3 con giáp hợp nhau trong vòng tròn can chi. Những người nằm trong mối quan hệ này thường có tính cách tương đồng hoặc chung sống với nhau rất hòa hợp, có cùng lý tưởng và có thể giúp nhau thành công. Mối quan hệ giữa họ thường phát triển thành bạn bè tâm giao hoặc tình yêu đôi lứa. Có 4 bộ tam hợp (địa chi tam hợp) là:

  • Thân – Tý – Thìn tam hợp Thuỷ
  • Hợi – Mẹo – Mùi tam hợp Mộc
  • Dần – Ngọ – Tuất tam hợp Hoả
  • Tỵ – Dậu – Sửu tam hợp Kim

Lục hợp

Ngoài tam hợp còn có khái niệm nhị hợp. Thuật ngữ trong tử vi này dùng để chỉ những cung không thuộc xung chiếu, tam chiếu nhưng có giá trị ảnh hưởng tới cung cần xem. Có 6 cặp nhị hợp tạo thành lục hợp như sau:

  • Tý – Sửu hợp Thổ
  • Dần – Hợi hợp Mộc
  • Mẹo – Tuất hợp Hoả
  • Thìn – Dậu hợp Kim
  • Tỵ – Thân hợp Thuỷ
  • Ngọ – Mùi hợp Thổ

Thuật ngữ trong tử vi này thường được dùng để xem tuổi vợ chồng, làm ăn, kết giao bạn bè. Còn trong phong thuỷ, lục hợp còn được hiểu là “ám hợp”, tức là có quý nhân phù trợ. Vì thế, khái niệm này còn được gọi là 6 cặp “quý nhân”.

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: ĐOÁN VẬN TƯỚNG CỦA BẠN QUA HÀNG LÔNG MÀY

Đừng bỏ qua