Thời kỳ vàng trong cách nuôi dạy con thông minh

Cùng tìm hiểu cách nuôi dạy con thông minh khi trẻ từ 1-8 tuổi, giai đoạn vàng trong sự phát triển ở trẻ để có hướng dẫn dắt, bồi dưỡng thích hợp cho con

Trẻ 1 tuổi: Nuôi dưỡng cảm giác an toàn

Rất nhiều phụ huynh đã nuôi kỳ vọng rất cao ngay từ khi trẻ mới 1 tuổi, thậm chí là cật lực bồi dưỡng tư duy các kỹ năng cho trẻ. Thực tế, đây không phải là cách nuôi dạy con thông minh. Mức độ hành vi và trí lực ở những trẻ chưa đến 1 tuổi rưỡi về cơ bản chỉ giống như ở tinh tinh mà thôi, mọi cố gắng của bạn có thể không có tác dụng gì. Việc quan trọng của bố mẹ khi trẻ ở giai đoạn này là hãy dành thời gian ở bên và chơi cùng trẻ nhiều hơn, đặc biệt là hãy cởi mở và nhẫn nại với trẻ. Trẻ sẽ cảm nhận rằng mình được yêu thương, được giúp đỡ khi cần và luôn có cảm giác an toàn tuyệt đối, từ đây, lòng tín nhiệm và cảm giác hạnh phúc cũng được nuôi dưỡng trong nhân cách của trẻ.

Trẻ 2 tuổi: Nuôi dưỡng tính hài hước

Hài hước là tính cách giúp một người luôn được hoan nghênh và yêu quý. Khả năng này bắt đầu biểu hiện khi trẻ được khoảng 2 tuổi nhưng còn rất yếu. Giai đoạn này, bạn nên cho trẻ giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động của trẻ, khuyến khích trẻ chủ động nói chuyện với bạn bè cùng lứa và cả người lớn, tạo điều kiện để trẻ tương tác với xung quanh. Trong quá trình này, trẻ sẽ “cọ xát” nhiều sự vật, sự việc, khám phá nhiều điều thú vị và biết thể hiện hứng thú, cảm xúc của mình.

Trẻ 3 tuổi: Nuôi dưỡng sự sáng tạo

cach nuoi day con thong minh hinh anh 1

Năng lực sáng tạo ở trẻ bắt đầu manh nha vào khoảng 3 tuổi, nó bắt nguồn từ lòng hiếu kỳ và đặc trưng hoạt bát, hiếu động ở trẻ. Bạn nên tạo điều kiện và môi trường thích hợp để trẻ có thể thực hành và phát huy khả năng sáng tạo, chẳng hạn như khuyến khích trẻ tưởng tượng những câu chuyện, vẽ, nặn tượng, cắt dán tranh ảnh v.v… Những việc này giúp trẻ tư duy tích cực, kích thích sự sáng tạo và tăng cường quan niệm về logic.

Trẻ 4 tuổi: Nuôi dưỡng năng lực biểu đạt ngôn ngữ

Ngôn ngữ là một trong những điều trẻ thích nhất ở giai đoạn khoảng 4 tuổi. Lúc này, trẻ đặc biệt tỏ ra thích nói chuyện, ca hát và cũng thích… la hét. Vì vậy, khi trẻ dưới 3 tuổi, bạn không cần quá lo lắng và đừng cố sửa chữa những lỗi sai trong cách dùng ngôn ngữ ở trẻ, tránh khiến trẻ vì sợ nói sai mà lo lắng, thậm chí có thể xuất hiện vấn đề nói lắp hoặc không dám nói chuyện. Khi trẻ được 4 tuổi, bạn mới nên tập trung quan tâm cách biểu đạt ngôn ngữ ở trẻ. Giai đoạn này, trẻ rất thích hỏi, hãy nhẫn nại và đáp ứng mọi câu hỏi của trẻ, kích thích niềm vui khi được tìm hiểu và giải quyết vấn đề trẻ thắc mắc, tăng cường khả năng diễn đạt bằng lời nói ở trẻ.

Trẻ 5 tuổi: Nuôi dưỡng sự gắn kết mẹ con

Lên 5 tuổi, trẻ có thể kiểm soát hành vi của mình và có thể xây dựng mối quan hệ hài hòa với người khác. Đặc biệt giai đoạn này,trẻ tỏ ra rất gần gũi và yêu mẹ, chuyện mà trẻ thích làm nhất chính là khiến mẹ vui và nhận lại được sự khẳng định và khen ngợi từ mẹ. Vì vậy, bạn nên dành nhiều thời gian cho con lúc này, tạo cơ hội cho trẻ gần gũi và cùng hoạt động với mẹ, nhẫn nại trò chuyện và bao dung với lỗi của con. Khi mối quan hệ mẹ − con trở nên khắng khít, thân tình, trẻ sẽ tăng thêm lòng tự tin và học được cách chia sẻ, quan tâm người khác. Có thể nói, “sự có mặt” đúng lúc của bố mẹ cũng là yếu tố quan trọng trong cách nuôi dạy con thông minh.

Trẻ 6 tuổi: Hãy quan tâm đến mâu thuẫn trong lòng trẻ

cach nuoi day con thong minh hinh anh 2

Nếu như 5 tuổi, mẹ là trung tâm trong thế giới của trẻ thì khi bước qua tuổi thứ 6, trọng tâm của trẻ thay đổi trở thành chính bản thân mình. Trẻ bắt đầu trưởng thành và có ý thức độc lập cá nhân nhưng trong lòng cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Trẻ vừa cần mẹ, lại vừa muốn có thế giới riêng của mình, do đó rất nhiều lúc cảm thấy không biết mình muốn gì. Ngoài ra, trẻ cũng quan tâm đến bố hơn ở giai đoạn này. Trẻ mong có bố bên cạnh nhiều hơn.Vì vậy, bố mẹ nên dành thời gian cho trẻ, nhưng vừa phải biết lúc nào cho trẻ được tự do với không gian riêng của mình, giúp trẻ giảm bớt những mâu thuẫn trong lòng.

Trẻ 7 tuổi: Phát triển tư duy trừu tượng

Đây là độ tuổi trẻ thích tư duy nhưng cũng có xu hướng thận trọng và hướng nội. Trẻ bắt đầu thích tìm hiểu cách viết và ý nghĩa của câu, từ, thích dung từ điển có hình vẽ và biết “động não” bằng suy nghĩ của mình. Bạn nên tạo điều kiện cho trẻ phát huy khả năng tư duy trừu tượng, cho trẻ tự do thể hiện suy nghĩ của mình, cho dù có những suy nghĩ chưa hoàn chỉnh thì bạn cũng nên nhẫn nại lắng nghe.

Trẻ 8 tuổi: Khai thác lòng yêu thích suy nghĩ và hành động thực tiễn của trẻ

Giai đoạn này, trí lực, thể năng và cả tính cách của trẻ đã có những thay đổi rất tốt. Trẻ thích thể hiện “phong cách” riêng của bản thân. Lúc này, trẻ đã có quan niệm khá chuẩn về thời gian và không gian, ham học hỏi và khám phá lẫn chứng minh mọi thứ xung quanh. Vì vậy, bố mẹ nên có lời nói, hành vi chuẩn mực hơn vì trẻ đang phát triển năng lực quan sát và đánh giá thực tiễn cuộc sống chứ không đơn thuần là luôn tin lời của người lớn như khi còn nhỏ. Ngoài ra, để hoàn thiện cách nuôi dạy con thông minh thì việc rèn cho trẻ lòng trách nhiệm cũng là then chốt trong giai đoạn phát triển này của trẻ.

Bài: Lê Phương

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua