Thoái hóa khớp là bệnh lý do sự ăn mòn của lớp sụn khớp. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào kể cả khớp háng. Bình thường, các đầu xương của khớp háng được bọc bởi một lớp sụn. Lớp sụn này giúp hấp thu bớt sự chấn động trong khớp khi bạn đi đứng.
Tuy nhiên, do tuổi tác, chấn thương, cơ thể dư trọng lượng, hoạt động thể thao hay lao động làm tăng sự đè ép lên khớp háng khiến lớp sụn này bị bào mòn dần. Không có lớp sụn khớp, khi cử động và di chuyển, các đầu xương của khớp háng sẽ cạ vào nhau gây đau, làm cứng khớp và giới hạn đi đứng.
CÁC CÁCH CHẨN ĐOÁN BỆNH
Trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể thấy đau mỏi ở khớp háng, có khi đau ở mông, đùi hoặc khớp gối. Đau thường xảy ra lúc bạn mới ngủ dậy bước xuống giường hoặc đứng dậy sau khi ngồi lâu. Bạn chỉ đau âm ỉ, đôi khi đau nhói.
Khi đi nhiều, bạn sẽ đau nhiều hơn. Khi ngồi nghỉ, bạn sẽ hết đau. Bạn cũng có thể thấy một số dấu hiệu khác như tiếng kêu lụp cụp trong khớp háng khi cử động, khớp háng sưng lên hay đau ở vùng xung quanh khớp háng.
Khi có một hay nhiều triệu chứng trên, bạn cần đi khám bệnh. Bác sỹ sẽ hỏi bạn thời điểm đau và cảm giác đau. Sau đó, bác sỹ ấn nhẹ khớp háng để xem có bị sưng và yêu cầu bạn cử động khớp háng hay đi qua đi lại. Cuối cùng, bạn sẽ chụp X-quang để biết sụn khớp có bị mòn hay không.
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Điều trị bằng thuốc: Đây là biện pháp đầu tiên để điều trị thoái hóa khớp háng. Mục đích là giảm đau. Nếu đau vừa phải, bạn chỉ cần dùng thuốc giảm đau thông thường nhưng nếu đau nhiều, bạn cần dùng thuốc kháng viêm.
Thay đổi lối sống: Công việc nặng nhọc hay đi lại nhiều khiến cơn đau tăng thêm. Do đó, bạn cần giảm công việc và giảm đi lại. Nếu thừa cân, bạn nên giảm cân vì trọng lượng làm tăng sự đè ép lên khớp háng và gối, từ đó sụn khớp mau mòn. Ngoài ra, khẩu phần ăn giàu omega 3 có thể làm giảm tỷ lệ bị mòn sụn khớp. Bạn nên ăn nhiều rau, trái cây và các loại ngũ cốc.
Những bài tập làm căng giãn khớp háng có thể giúp khớp háng cử động mềm mại và trơn tru hơn. Bạn tập từ từ, khi đau là ngưng ngay. Để bảo đảm an toàn, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi tập. Bạn tập như sau: nằm ngửa, co hai khớp gối lại, kéo sát vào ngực đến khi bạn cảm thấy căng giãn, giữ trong 10 giây, hạ chân xuống. Tập động tác này 30 lần.
Vận động thể dục thể thao: Vận động là phương pháp tốt để duy trì thể lực và sức khỏe, ngay khi bạn bị thoái hóa khớp háng. Bạn chỉ nghỉ ngơi khi đang bị một đợt cấp của bệnh, gây đau nhiều. Đạp xe, bơi lội là môn thể thao phù hợp và dễ thực hiện cho người đang bị thoái hóa khớp háng nhưng bạn cần hỏi bác sỹ trước khi thực hiện.
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng dành cho người bị thoái hóa khớp háng nặng. Lúc này, người bệnh bị đau nhiều, đi lại khó khăn, khớp háng biến dạng như chân bị ngắn lại, teo cơ đùi. Dùng thuốc giảm đau không còn tác dụng.
Hiện nay, phương pháp thường áp dụng là thay khớp háng toàn phần. Tuy nhiên, chi phí điều trị rất đắt, gần 100 triệu đồng cho một khớp háng. Đây là một phẫu thuật khó, đòi hỏi phương tiện đầy đủ và tay nghề cao. Vì vậy, bạn nên đến bác sỹ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình ở các bệnh viện lớn để khám và điều trị.
Theo Tiếp Thị Gia Đình