Ăn thịt gà đúng cách, tránh rước bệnh vào thân, bạn đã biết chưa?

Thịt gà là món ăn thường gặp trong các bữa cơm gia đình. Nhưng bạn có chắc mình đã biết tất tần tật cách chọn và ăn thịt gà sao cho ngon mà vẫn an toàn?

Bạn thường mua thịt gà tươi làm sẵn bán ngoài chợ hay gà đông lạnh uy tín? Gà đông lạnh ở đây là gà của các thương hiệu uy tín; có nguồn gốc rõ ràng, được bày bán trong các siêu thị. Với câu hỏi này, Tiếp Thị Gia Đình làm một khảo sát bỏ túi với 10 gia đình. Kết quả, có tới 8 gia đình thường mua gà thịt sẵn ngoài chợ; không chọn gà đã đông lạnh. Lý do chủ yếu là vì thịt gà tươi ngoài chợ ăn sẽ ngon hơn. Nhưng, bạn đã biết cách ăn thịt gà đúng cách?

1. Chọn ngon hay an toàn?

Ở các chợ truyền thống, thịt gà làm sẵn thường được lấy từ các chợ đầu mối. Vì đã làm thịt sẵn, bạn chẳng thể biết nguồn gốc gà đó ra sao. Bạn không biết chúng khỏe hay ốm, sống hay đã chết trước khi giết mổ. Bạn càng không biết, người ta đã cho gà “ngâm” những hóa chất gì để bảo quản được lâu, để da vàng ươm hay để thịt dai như gà vườn, gà đồi…

Chuyện hô biến gà chết thành gà tươi, chuyện gà ngậm chất vàng ô… đã được truyền thông nhắc đến nhiều. Cứ xem như người bán còn lương tâm, chỉ cần nhìn vào cách bảo quản và bày bán thịt gà ngoài chợ, bạn cũng đã cần phải nghĩ 7 lần trước khi mua. Hầu hết tại các chợ, gà thịt sẵn được để nguyên con trên sạp, mâm, không có đá để bảo quản. Tiểu thương cứ “hồn nhiên” bày bán từ sáng đến trưa, từ trưa tới chiều, bất chấp nắng như thiêu. Thậm chí hàng tồn hôm nay được đem về đông đá rồi lại rã đông, bày bán tiếp vào ngày mai.

Trong khi đó, các loại vi khuẩn đặc biệt thích thịt gia cầm sống.

Ngay khi bạn chưa thấy dấu hiệu hư hỏng, thịt gà sống đã chứa đầy vi khuẩn nguy hiểm. Cho tới khi bạn ngửi thấy mùi thiu, chua; sờ thấy nhớt hay nhìn thấy màu thịt xanh xám, thịt đã nhiễm khuẩn nặng. Thịt gà là nhóm thực phẩm rất dễ hư hỏng, nổi tiếng với khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Chúng chứa nhiều vi khuẩn salmonella, loài vi khuẩn cứng đầu thường gây ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm nếu bạn không nấu chín kỹ, không tiêu diệt được đám vi khuẩn này.

Bởi thế, các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyên rằng, bạn nên vứt bỏ nếu thịt gà để ở nhiệt độ phòng khoảng hơn 2 giờ, và ít hơn 2 giờ nếu ở môi trường có nhiệt độ cao như các chợ.

Bạn thử nghĩ xem, có tiểu thương nào ở chợ chịu vứt gà đi sau 2 giờ phơi ngoài nắng, gió hay không? Khác với thịt gà tươi ngoài chợ, gà đông lạnh trong các siêu thị được bảo quản an toàn hơn. Mặc dù kết cấu thịt đông lạnh có vẻ không ngon bằng gà tươi nhưng nhiệt độ lạnh đã giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại. Ngoài ra, gà tươi và gà đông lạnh tương tự nhau về dinh dưỡng.

Đấy là lý do, khi phải chọn gà tươi làm sẵn ngoài chợ hay gà đông lạnh, thiết nghĩ, bạn nên chọn gà đông lạnh uy tín. Dĩ nhiên, gà đông lạnh cũng dễ nhiễm khuẩn nếu bạn bảo quản không đúng. Đây nên là mặt hàng cuối cùng bạn mua trước khi rời siêu thị. Nếu có thể, bạn nên “ướp” chúng trong túi đá (dễ dàng xin ở các quầy hải sản tươi sống) trong hành trình từ siêu thị về nhà. Thịt gà đông lạnh cũng nên biến thành món ăn ngay sau khi mua về.

an thit ga dung cach hinh anh 1

Thịt gà, thực phẩm quen thuộc trong mâm cơm của gia đình Việt. Nhưng, bạn có chắc mình ăn thịt gà đúng cách?

2. Chọn gà trống hay gà mái?

Có bao giờ bạn đứng trước cửa hàng bán gà thịt và tần ngần hỏi người bán: “Gà trống và gà mái, gà nào ngon hơn chưa?”. 10 bà nội trợ đi chợ thì 8–9 người có cùng câu hỏi này.

Đối với một số loại thịt động vật, đặc biệt là gà, con đực và con cái có năng suất thịt; hương vị và độ dai, mềm khác nhau. Người phương Tây thích ăn thịt gà trống vì cho rằng, gà mái có mức hormone tự nhiên cao hơn. Họ muốn tránh loại hormone đó. Theo giáo sư Gregoy Bedecarrats, Đại học Guelph, Canada, khả năng tồn tại các kích thích tố tích lũy trong mô hoặc chất béo của gà sau khi chế biến và nấu ăn là thấp và sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sự khác biệt hormone giữa gà trống và gà mái chỉ khiến chất lượng thịt khác nhau. Gà cái có nhiều chất béo hơn. Gà đực có nhiều protein hơn, có nghĩa là chúng cho nhiều thịt hơn. Khi mua gà mái, bạn có thể phải cắt bỏ rất nhiều mỡ nhưng điều này thường không xảy ra ở gà trống.

Nếu bạn muốn ăn gà béo ngậy, hãy chọn gà cái. Còn nếu bạn muốn ăn thịt gà thanh, ít béo, hãy chọn gà trống.

Độ dai của thịt gà trống và mái cũng có chút khác biệt. Thịt gà trống dai hơn, thường dùng để chế biến những món hầm, canh, lẩu, kho sẽ rất ngon, không bị mềm. Thịt gà cái mềm, vị ngọt hơn nên thích hợp làm các món gà luộc, hấp.

Theo quan điểm của y học Trung Quốc; gà trống thuộc tính dương, giúp bổ dương khí, phù hợp với những người có dương suy, yếu ớt. Người bị cao huyết áp, ung thư thì không nên ăn. Còn gà mái thuộc tính âm; có tác dụng cân bằng và làm dịu cơ thể, phù hợp với người có thể chất ốm yếu như sản phụ sau sinh, người cao tuổi đau yếu, người mắc bệnh lâu năm…

3. Ăn thịt gà đúng cách: Bộ phận nào không nên ăn?

Chúng ta hay quan niệm: “Nhất phao câu, nhì đầu cánh”. Thế nhưng, theo khoa học thì những món khoái khẩu của người Việt ta lại là những phần không nên ăn ở con gà, bao gồm:

● Phao câu gà: Là kho lưu trữ lớn của vi-rút, vi khuẩn và cả các chất gây ung thư. Nếu không chế biến khéo, chiếc phao câu có thể làm hôi cả con gà. Tốt nhất, bạn nên cắt bỏ phao câu trước khi chế biến.

● Cánh gà: Không chỉ cánh đàn ông, đến 70% phụ nữ mê cánh gà. Nếu con gà không được nuôi theo chuẩn organic, người ta sẽ tiêm hormone tăng trưởng cho nó và vị trí tiêm chính là ở phần cánh gà. Do đó, nơi đây sẽ tập trung nhiều hormone. Tiêu thụ lâu dài thực phẩm dư thừa hormone sẽ không tốt cho sức khỏe.

● Cổ gà: Nếu lột lớp da gà, bạn sẽ thấy có rất nhiều hạch tập trung dọc phần cổ gà. Đó là các hạch bạch huyết vốn là nơi tập trung nhiều độc tố. Nếu không cưỡng lại nổi niềm đam mê món này, bạn chắc chắn phải loại bỏ hoàn toàn da và hạch trước khi chế biến.

● Da gà: Giòn giòn, béo béo, da gà được đánh giá là phần ngon của gà. Tuy nhiên, nó lại chứa rất nhiều cholesterol cao, gây hại cho cơ thể con người. Bạn nên bỏ hết da gà, đặc biệt là khi bạn chế biến món nướng bởi nếu nướng không đúng nhiệt độ sẽ rất dễ tạo ra các chất gây ung thư.

Ngoài ra, danh sách này còn có một số cơ quan nội tạng gà bạn nên hạn chế ăn. Đứng đầu là phổi vì nơi đây chứa nhiều vi khuẩn kháng nhiệt và ưa nhiệt mà chúng ta không thể tiêu diệt hoàn toàn khi đã nấu. Tiếp theo là mề gà, thận gà, tim vì nơi đây dễ dễ tồn đọng dư lượng chất độc trong quá trình tiêu hóa của gà.

Bài: NGUYỄN XOA

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua