Thiện chánh niệm – Cách đơn giản để gọi bình yên quay về bên ta

Trước những biến động trong cuộc sống xung quanh và những rối ren trong cảm xúc lẫn suy nghĩ, ai cũng từng ước muốn có những giây phút bình yên, thư giãn và cân bằng. Thiền chánh niệm là giải pháp lý tưởng dành cho bạn!

Thiền chánh niệm

Ảnh: Shutterstock

Mới nghe qua “thiền” và “chánh niệm”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một hoạt động, nghi thức liên quan đến tôn giáo. Thực tế, các bài tập thiền chánh niệm đã được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống từ những năm 1970. Theo nghiên cứu của đại học Harvard; liệu pháp này có hiệu quả trong việc xua tan âu lo và giảm căng thẳng.

Thiền chánh niệm là gì?

Thiền chánh niệm (tiếng Anh: Mindfulness Meditation) là sự kết hợp của thiền định (Meditation) và chánh niệm (Mindfulness).

Thiền định là bài tập cho tâm trí tìm về với sự tĩnh lặng. Từ đó giúp đưa cơ thể vào trạng thái tĩnh tâm, kích hoạt khả năng tự chữa lành của cơ thể; ngăn ngừa những thương tổn mới do tác động của căng thẳng.

Chánh niệm là khả năng nhận thức bằng 5 giác quan của con người và không phản ứng thái quá; hoặc bị choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra xung quanh. Thực hành chánh niệm giúp chúng ta tập trung vào yếu tố “ở đây, bây giờ”; với một tâm thái thư giãn, không phán xét.

Thiền định là một trong những phương pháp để thực hành chánh niệm. Khi kết hợp, bạn gia tăng tập trung trí não; nuôi dưỡng tinh thần rộng lượng, minh triết, điềm tĩnh chấp nhận thực tại.

5 lợi ích quan trọng của Thiền Chánh niệm

Giảm căng thẳng và xua đuổi cảm xúc tiêu cực

Chúng ta đang sống trong thời đại có nhịp độ hối hả, nhiều áp lực. Học cách kiểm soát hoặc giảm thiểu tác động của căng thẳng lên cơ thể và tâm trí là điều quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc tổng thể. Kết quả 47 thử nghiệm lâm sàng cho thấy; các chương trình thiền chánh niệm đem lại những cải thiện đối với tình trạng căng thẳng; đau khổ, nâng cao sức khỏe tinh thần.

Căng thẳng dễ phát sinh lo lắng. Trong tâm thần học, lo lắng là một dạng rối loạn thần kinh. Nó không chỉ khiến ta khó chịu, sợ hãi; mà còn gây ra hành vi cưỡng chế hoặc tấn công hoảng loạn. Đáng mừng là những người bị rối loạn lo âu tham gia thiền chánh niệm có xu hướng khỏi bệnh nhanh hơn; so với những người điều trị bằng các phương pháp khác. Những cảm xúc tiêu cực nhất thời của họ cũng nhanh chóng tan biến.

Cải thiện sự tập trung và củng cố trí tuệ cảm xúc

Theo nghiên cứu của Đại học Harvard; một người trưởng thành mất khoảng 47% thời gian mỗi ngày cho những suy nghĩ lan man trong tâm trí. Điều này có nghĩa là chúng ta đang lãng phí quá nhiều thời gian và năng lượng cho những suy nghĩ mông lung, rối rắm. Việc thiền chánh niệm đều đặn có thể giúp tăng cường khả năng duy trì sự tập trung, chú ý.

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng khai thác cảm xúc của bạn; và sử dụng chúng để khiến cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn. Không giống IQ – chỉ số duy trì không đổi trong suốt cuộc đời; EQ có thể được phát triển và mài giũa qua thời gian. Có nhiều cách để tăng cường trí tuệ cảm xúc, trong đó có thiền chánh niệm.

Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy; bộ môn này đóng vai trò quan trọng, giúp bệnh nhân cải thiện năng lực điều chỉnh cảm xúc. Trong những tình huống khó khăn; họ đã chủ động phân loại cảm xúc cá nhân, giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý hơn.

Kiểm soát cơn đau mãn tính

Thay vì dùng thuốc giảm đau; kiểm soát cơn đau mãn tính theo cách lành mạnh hơn đã và đang được nghiên cứu. Trong đó, phương pháp thiền chánh niệm kết hợp yoga (Mindfulness Based Stress Reduction – MBSR) cho hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện cơn đau, giảm lo lắng, tăng hạnh phúc.

Ngủ ngon giấc hơn và giảm cân hiệu quả hơn

Những người trưởng thành tập thiền chánh niệm hàng ngày đều thừa nhận họ ngủ ngon và sâu mỗi đêm. Kết quả nghiên cứu với người lớn tuổi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ cũng cho thấy phương pháp này giúp cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ chỉ trong thời gian ngắn.

Thiền chánh niệm cũng đem lại hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm cân. Những phụ nữ thừa cân, béo phì thực hành bộ môn này nhận thấy họ kiểm soát việc ăn uống tốt hơn, ít áp lực hơn trước một thực đơn khắc nghiệt. Đồng thời, họ cũng tập trung vào việc quản lý cân nặng, thay vì chỉ chăm chú vào đếm lượng calo mỗi ngày.

Tăng cường chất xám cho não

Một phát hiện đáng ngạc nhiên khác của thiền chánh niệm là bài tập này làm tăng chất xám trong não. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi mật độ chất xám trước và sau của những người tham gia MBSR. Họ nhận thấy sự gia tăng nồng độ chất xám xảy ra ở vùng hải mã bên trái, vỏ não sau, đường nối thái dương – đỉnh và tiểu não. Đó là những vùng liên quan đến quá trình ghi nhớ, học tập, điều chỉnh cảm xúc, tự tham chiếu và quan điểm cá nhân.

Thực hành ngồi Thiền chánh niệm cơ bản

Có nhiều cách để thực hành thiền chánh niệm. Cơ bản nhất là thiền niệm hơi thở (Mindful Breathing). Nó là bài tập phổ biến nhất và là khởi đầu hoàn hảo cho những người mới du nhập bộ môn rèn luyện sức khỏe này.

Ngồi ngay ngắn và thoải mái. Bất kỳ vị trí nào cũng được, miễn là nó vững chắc, ổn định. Bạn ngồi thẳng lưng, không chồm hay ngả lưng.

Thả lỏng thân trên. Cột sống có độ cong tự nhiên nên đừng cố ưỡn ngực. Đầu và vai cần thoải mái, không gồng cứng.

Nhắm mắt và tịnh tâm. Có thể sẽ mất một vài phút để bạn ngừng các suy nghĩ hỗn độn trong đầu và dần giải thoát chúng ra ngoài.

Hít sâu hơn và thở ra chậm rãi. Đừng chỉ hít thở như quán tính. Bạn mang nhận thức vào từng hơi thở. Lúc hít vào, bạn cảm nhận luồng hơi chạy từ mũi vào và lấp đầy phổi. Khi thở ra, những muộn phiền thả trôi ra ngoài. Bạn lắng nghe từng nhịp thở. Tâm trí chỉ tập trung vào từng hơi thở.

Bài: AV
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua