Từ vụ 42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ, phải chăng ai cũng nên đi xét nghiệm một lần?

Với một xã thuần nông đa phần là dân tộc thiểu số, tại sao lại nhiễm HIV nhiều đến thế? TTGĐ đã tham khảo ý kiến của những chuyên gia y tế về vụ việc trên.

Qua thống kê của Sở Y tế Phú Thọ, xã Kim Thượng có đến 42/490 người dân lấy máu xét nghiệm phát hiện bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa thể xác định nguồn lây.

Tuần rồi, vụ việc 42 người ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; dương tính với HIV khiến dư luận chấn động. Với một xã thuần nông; đa phần là dân tộc thiểu số, tại sao lại nhiễm HIV nhiều đến thế? Đau lòng hơn, một bé gái 18 tháng tuổi; hay cụ già 80 tuổi ở Kim Thượng cũng dương tính với HIV. TTGĐ đã tham khảo ý kiến của những chuyên gia y tế về vụ việc trên.

Nhiễm HIV là sẽ chết sớm?

Cho tới hiện tại, chưa có cách nào loại bỏ virus HIV ra khỏi cơ thể người bệnh. Những người nhiễm HIV sẽ sống chung với virus này suốt cuộc đời. Do hệ miễn dịch suy giảm, họ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; hơn người bình thường; nhưng điều đó không có nghĩa cứ nhiễm HIV thì sẽ chết sớm.

Thuốc và phác đồ điều trị hiện nay đã tiến bộ; có thể giúp người nhiễm HIV sống lâu và khỏe mạnh như người bình thường. Theo ước tính, một người nhiễm HIV ở tuổi 25, nếu được chăm sóc y tế tốt; có thể sống đến hơn 40 năm nữa. Người Việt Nam đầu tiên nhiễm HIV từ năm 1990, đến giờ vẫn đang sống khỏe mạnh nhờ điều trị đều đặn bằng thuốc kháng virus HIV.

Nhiễm HIV phải điều trị cả đời?

Đúng. Thuốc kháng virus HIV ngăn chặn sự phát triển của virus trong cơ thể nếu được điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo tài liệu của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, mục đích của điều trị bằng ARV sớm là nhằm giảm lượng virus trong máu, giảm nguy cơ lây truyền sang người khác, tăng số lượng tế bào bạch cầu CD4 (chống tác nhân gây bệnh), phục hồi hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh khác và tử vong có liên quan tới HIV, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không điều trị, virus HIV sẽ lại tiếp tục sao chép trở lại, khiến hệ miễn dịch suy yếu, sức khỏe giảm sút.

Tuân thủ phác đồ điều trị

Khi điều trị bằng thuốc ARV, người nhiễm HIV phải uống thuốc đúng giờ, đúng liều, đúng cách, đúng phác đồ và đều đặn hàng ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không tuân thủ tuyệt đối, virus có thể kháng thuốc và việc điều trị bằng ARV sẽ vô hiệu.

Mỗi bệnh nhân có một phác đồ điều trị khác nhau và cần được theo dõi chặt chẽ. Do đó, trong thời gian điều trị, bệnh nhân phải tuân thủ việc kiểm tra định kỳ để bác sĩ theo dõi quá trình tác động của thuốc ARV. Nếu việc điều trị không hiệu quả, bác sĩ sẽ phải thay đổi phác đồ điều trị khác.

HIV và AIDS có giống nhau?

HIV và AIDS có liên quan, nhưng không giống nhau. HIV là một loại virus, không phải là bệnh. Không phải tất cả những người nhiễm HIV sẽ bị bệnh AIDS – Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do virus này gây ra. Tuy nhiên, nếu không được điều trị bằng thuốc kháng virus, người nhiễm có thể mắc bệnh AIDS. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời gian tiến triển này kéo dài khoảng 10–15 năm.

Có nên xét nghiệm HIV?

Ai cũng nên ít nhất một lần xét nghiệm HIV. Những đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao là người từng quan hệ tình dục không dùng bao cao su, người quan hệ tình dục với nhiều người khác, người tiêm chích ma túy, dùng chung kim tiêm với người tiêm chích ma túy, người từng truyền các chế phẩm của máu chưa được sàng lọc…

Nhìn bề ngoài, không thể biết được ai đó có nhiễm HIV hay không. Cách duy nhất là xét nghiệm máu. Tất cả chúng ta, để biết liệu HIV có “từ trên trời rơi xuống” như những người dân ở Phú Thọ hay không, thiết nghĩ cũng nên một lần đi xét nghiệm HIV. Điều trị HIV càng sớm sẽ giúp người nhiễm duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, giảm chi phí điều trị, quan trọng là vẫn có thể làm mẹ mà không lây nhiễm cho con.

Phải làm gì khi nghi ngờ phơi nhiễm HIV?

Xử lý vết thương tại chỗ bằng cách rửa ngay trực tiếp dưới vòi nước.

Nếu vết thương chảy máu, hãy để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn. Không nặn, bóp vết thương. Rửa kỹ lại bằng xà phòng và nước sạch.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, hãy rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) liên tục trong 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua mũi, miệng, hãy rửa mũi, súc miệng bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) nhiều lần.

Đến ngay các cơ sở y tế để xét nghiệm máu và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. Uống thuốc ARV có thể ngăn ngừa HIV 100% nếu trong vòng 24 tiếng sau phơi nhiễm. Nếu uống sau 72 giờ, hiệu quả giảm còn 52% và nếu uống sau 72 giờ, việc điều trị dự phòng không còn có giá trị.

Bài: Nguyễn Xoa
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua