Thận là hai cơ quan hình hạt đậu, nằm trong khoang bụng, dưới xương sườn, đối xứng nhau qua cột sống. Một số triệu chứng báo hiệu thận đang gặp vấn đề là thay đổi màu sắc và lượng nước tiểu, chóng mặt, nôn, thiếu máu, khó thở, lúc nào cũng cảm thấy lạnh, mệt mỏi, ngứa, hơi thở hôi và đau đột ngột. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, bạn hãy đến chuyên khoa thận để khám.
Có nhiều lý do khiến thận bị tổn hại, trong đó có những thói quen có hại cho thận mà có thể bạn không biết như nhịn tiểu, uống ít nước, nạp vào nhiều muối, protein, caffeine, rượu, thiếu ngủ…
1. Nhịn tiểu
Khi nước tiểu ở lại bàng quang lâu, vi khuẩn có hại sinh sản trong nước tiểu nhiều hơn, có thể gây nhiễm trùng đường tiểu hoặc thận. Hơn nữa, nhịn tiểu làm tăng áp lực cho thận có thể dẫn đến suy thận và tiểu không tự chủ.
Lời khuyên: Nếu có thói quen nhịn tiểu, bạn hãy sớm từ bỏ để thận hoạt động tốt hơn. Dù bận rộn, bạn hãy đi tiểu khi nhận được tín hiệu của cơ thể.
2. Uống không đủ nước
Chức năng của thận là lọc chất thải ra khỏi cơ thể và điều tiết sản xuất hồng cầu. Khi cơ thể thiếu nước, máu trở nên đặc hơn nên lưu lượng máu đến thận ít. Điều này cản trở khả năng loại bỏ độc tố của thận. Có nhiều độc tố trong cơ thể nghĩa là bạn sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn.
Lời khuyên: Theo Tổ chức thận học quốc gia Hoa Kỳ, một người lớn khỏe mạnh phải uống ít nhất 10 – 12 ly nước (200ml/ly) hàng ngày để giữ thận khỏe mạnh và cơ thể đủ nước. Tuy nhiên, uống nước vượt mức này cũng không tốt cho thận.
3. Tiêu thụ nhiều muối
Thường xuyên ăn quá nhiều muối là một thói quen có hại cho thận. Thận chuyển hóa 95% na-tri nạp vào qua thực phẩm. Khi lượng muối cao, thận cần phải làm việc nhiều hơn để bài tiết lượng muối dư thừa, dẫn đến giảm chức năng thận, giữ nước trong cơ thể. Giữ nước có thể gây tăng huyết áp và nguy cơ bệnh thận.
Lời khuyên: Bạn chỉ dùng 5g muối/ngày (1 thìa cà-phê muối khoảng 6g).
4. Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau
Nhiều người có thói quen dùng thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau, giảm sốt và viêm nhiễm nhưng điều này có thể làm tổn hại các bộ phận trong cơ thể kể cả thận. Nghiên cứu cho thấy thuốc giảm đau có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận và suy giảm chức năng thận. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc giảm đau liều cao có thể gây suy thận cấp hoặc mạn tính.
Lời khuyên: Bạn chỉ sử dụng thuốc giảm đau đúng liều lượng và trong thời gian ngắn. Nếu đã suy giảm chức năng thận, bạn không tự ý dùng thuốc này mà phải nhờ bác sỹ tư vấn.
5. Nạp vào nhiều protein
Tuy protein rất cần thiết cho cơ thể, nhưng tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ và thực phẩm giàu protein có thể làm tăng nguy cơ bệnh thận. Một trong những vai trò của thận là chuyển hóa và bài tiết ni-tơ (sản phẩm thủy phân của protein). Nếu lượng protein cao, thận sẽ hoạt động nhiều hơn, làm tăng nguy cơ bệnh thận.
Lời khuyên: Mỗi ngày, phụ nữ cần nạp vào 46g protein, nam giới cần 56g. Để đạt điều này, bạn chỉ ăn 2 – 3 phần thức ăn giàu đạm mỗi ngày, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Đặc biệt, người có vấn đề về thận hạn chế nạp vào thịt đỏ vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
6. Uống rượu quá mức
Rượu là một chất độc gây căng thẳng cho thận và gan. Khi uống nhiều đồ uống có cồn, a-xít uric tích tụ ở ống thận dẫn đến tắc nghẽn ống thận, làm tăng nguy cơ suy thận. Hơn nữa, rượu gây ra tình trạng mất nước và làm gián đoạn các hoạt động bình thường của thận.
Lời khuyên: Nếu thích uống, bạn có thể uống chừng mực 2 ly một ngày đối với nam và 1 ly với phụ nữ và người lớn tuổi.
7. Hút thuốc lá
Hút thuốc làm tăng huyết áp, nhịp tim, làm giảm lưu lượng máu, thu hẹp các mạch máu trong thận, thậm chí làm mất chức năng của thận và làm trầm trọng thêm bệnh.
Lời khuyên: Hãy từ bỏ thuốc lá bằng cách nghe theo lời khuyên của bạn bè, người thân hoặc các chuyên viên tư vấn.
8. Tiêu thụ quá nhiều caffeine
Tiêu thụ caffeine quá nhiều có thể gây huyết áp cao, gây căng thẳng cho thận. Qua thời gian, điều này có thể làm hỏng thận. Theo một nghiên cứu năm 2002 được công bố trên website Kidney International, tiêu thụ caffeine có sự liên kết chặt chẽ với sỏi thận.
Lời khuyên: Nạp vào caffeine với lượng vừa phải sẽ không gây hại. Bạn có thể uống 1 – 2 tách cà-phê hoặc 3 tách trà mỗi ngày. Hạn chế tiêu thụ các nguồn caffeine khác như nước ngọt, nước tăng lực, chocolate, ca cao và một số loại thuốc.
9. Bỏ qua nhiễm trùng thông thường
Nhiễm trùng thông thường như cảm lạnh, cúm, ho, viêm họng, viêm amiđan… có thể gây tổn thương cho thận.
Lời khuyên: Khi bị bệnh, bạn nên nhanh chóng điều trị đúng cách. Dùng thuốc kháng sinh đúng liều và nghỉ ngơi cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn.
10. Thiếu ngủ
Một thói quen có hại cho thận nữa là do bận rộn, nhiều người thường thức khuya, dậy sớm. Thế nhưng, việc ngủ 6 – 8 giờ mỗi ngày rất quan trọng. Giấc ngủ ban đêm giúp các mô của cơ quan phục hồi. Nếu không ngủ ngon, quá trình này bị gián đoạn dẫn đến thiệt hại cho thận và các cơ quan khác.
Lời khuyên: Hãy áp dụng những thói quen ngủ lành mạnh và cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình