Công trình tháp truyền hình cao nhất thế giới này do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn BRG Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước đầu tư xây dựng.
Theo kế hoạch dự kiến, tòa tháp sẽ có độ cao 636m vượt kỷ lục hiện nay thuộc về tháp truyền hình Skytree Tokyo ở Nhật Bản với độ cao 634m. Dự án sử dụng nguồn kinh phí khoảng 1,3 – 1,5 tỷ USD, trong đó riêng phần khối tháp đã cần đến 900 triệu USD.
Với diện tích quy hoạch khoảng 14,1ha, tháp truyền hình cao nhất thế giới sẽ được đặt tại khu đô thị Tây Hồ Tây (P. Cổ Nhuế, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội). Dự án xây dựng công trình có tuổi thọ hàng trăm năm này sẽ hoàn thành trong vòng 6 năm và chính thức đưa vào sử dụng vào năm 2021.
Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS. Đào Ngọc Nghiêm đã bày tỏ những ý kiến trái chiều khi dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới bắt đầu được triển khai. Tiến sĩ cho rằng, các nhà quản lý nên cân nhắc thật kỹ càng giữa yêu cầu của ngành truyền hình với điều kiện thực tế của đất nước. Không nhất thiết chúng ta phải đầu tư một khoản kinh phí quá lớn chỉ để được công nhận vị trí đứng đầu thế giới.
Trong nền kinh tế khó khăn hiện nay, nợ công vẫn đang tăng cao và có nguy cơ vượt ngưỡng an toàn, Việt Nam lại càng phải thận trọng hơn với những dự án khổng lồ như thế.
Bài: Thảo Viên
Tiếp Thị Gia Đình