Thảo Nguyễn – Người viết chuyện cổ tích cho trẻ đường phố

Từ một cô bé gầy gò, đen nhẻm, ôm trên tay chiếc khay hàng lưu niệm, lẽo đẽo mời khách, Thảo Nguyễn đã trở thành giám đốc một nhà hàng. Điều gì đã thay đổi cuộc đời chị?

Năm 13 tuổi, Thảo Nguyễn phải nghỉ học, sau khi mẹ đưa anh chị em Thảo từ quê nhà Ninh Bình lên Hà Nội tìm kế sinh nhai. Thảo kể: “Với kiến thức lớp bảy, tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc phụ mẹ bán trà đá, bán bưu thiếp dạo ở hồ Gươm kiếm sống qua ngày. Có hôm kiếm được vài chục nghìn đồng, cũng có lúc cả tuần chẳng bán được tấm bưu thiếp nào. Bữa ăn cũng dập dềnh theo mỗi bước chân lang thang.

CUỘC GẶP GỠ ĐỊNH MỆNH

Vì nhỏ tuổi nên tôi bị bắt nạt, cướp sạch tiền và rổ hàng. Tôi bèn chuyển sang phố Lý Thường Kiệt bán. Và con đường bán bưu thiếp dạo đó đã đưa đẩy cho tôi gặp chị Anita, một phụ nữ làm ở Đại sứ quán Úc, nói tiếng Việt rất sõi. Đó là một buổi trưa hè nắng gắt, bụng đói meo, tôi ngồi gục xuống vỉa hè gần Đại sứ quán. Bỗng chị Anita mang ra chiếc bánh ngọt ân cần mời tôi: “Sau này lớn lên, em muốn trở thành người như thế nào?”. Tôi khẽ khàng bộc bạch: “Em chỉ muốn có nghề nghiệp ổn định…”.

Rồi chị kể tôi nghe về một trung tâm tên KOTO chuyên giúp đỡ những trẻ lang thang đường phố. Chị bảo sẽ giới thiệu tôi vào đó sinh sống, học tập. Hôm sau, tôi theo chị đến trung tâm, trong lòng mang theo niềm hân hoan xen lẫn nỗi lo lắng “biết đâu mình bị lừa”… Thế nhưng, cuộc gặp ấy đã thay đổi cuộc đời tôi.

Năm 2001, tôi trở thành học viên khóa I của trung tâm KOTO. “Cơ hội đến thì phải nắm lấy”, ý nghĩ đó khiến tôi luôn tập trung vào những bài học về cách cầm ly, bưng bê trên khay sao cho chuẩn, sắp xếp bàn ăn, gấp khăn, học tên các món ăn bằng tiếng Anh… Sau một năm học nghề, tôi được nhận vào làm tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội.

Hầu như chiều nào sau giờ làm, tôi cũng về KOTO thăm các học viên. Trò chuyện, tiếp xúc với các em, tôi như đang thấy tuổi thơ của chính mình. Ngôi nhà chung đã cho tôi cơ hội thay đổi cuộc đời, giờ đây, tôi phải làm gì để giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn?

NHÂN LÊN ĐIỀU KỲ DIỆU

Ba năm sau, tôi quay lại KOTO làm việc với mong muốn mang những hiểu biết của mình về lĩnh vực quản lý khách sạn, ẩm thực truyền đạt cho các học viên. Ngày làm việc, tối về học thêm tiếng Anh, tôi nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí giám sát viên.

Từ đây, những bước ngoặt lớn tới liên tiếp đã đưa cuộc đời tôi sang trang mới. Sau khi hoàn thành khóa thực tập ngắn hạn tại Thụy Sỹ, tôi được bình chọn là Đại sứ thiện chí của KOTO năm 2007. Giải thưởng đó đã đem đến cho tôi học bổng du học hai năm ngành nghiệp vụ quản lý khách sạn tại Học viện Box Hill, Úc. Đi học xa cộng với việc làm thêm cho một khách sạn mang lại cho tôi những bài học, trải nghiệm mới.

Kết thúc khóa học, tôi trở về Việt Nam, cùng KOTO nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho các bạn trẻ lang thang bằng dự án khởi nghiệp là nhà hàng Pots ‘n Pans, ở số 57 Bùi Thị Xuân, Hà Nội. Pots ‘n Pans mang phong cách ẩm thực đương đại, chắt lọc những gì tinh túy của văn hóa ẩm thực Việt kết hợp với phong cách trình bày mang âm hưởng quốc tế dưới bàn tay chế biến của những đầu bếp tốt nghiệp từ KOTO.

Những khó khăn trên con đường đang đi chưa bao giờ khiến tôi nản lòng. Tôi muốn truyền đạt những gì mình có cho các em nhỏ, đặc biệt là những em đường phố để các em có thể viết lại chuyện cổ tích của đời mình. Nếu ai đó bảo tôi có số phận không may thì tôi lại nghĩ rằng chính những ngày lang thang đường phố đó đã cho tôi bản lĩnh và cơ hội thay đổi số phận. Tôi thầm cảm ơn khó khăn một thời đã giúp tôi thêm trưởng thành.

THÔNG TIN THÊM

√ Chị Thảo Nguyễn sinh năm 1985, hiện là Giám đốc điều hành nhà hàng Pots ‘n Pan, 57 Bùi Thị Xuân, Hà Nội, website http://potsnpans.vn.

√ KOTO (Know One Teach One – biết một dạy một) là dự án xã hội hoạt động dưới mô hình một trung tâm dạy nghề và nhà hàng phi lợi nhuận với cam kết: tất cả lợi nhuận sẽ được đầu tư cho hoạt động của trung tâm dạy nghề. Đối tượng tuyển sinh tại KOTO là thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn từ 16–22 tuổi, yêu thích nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn.

√ Liên hệ KOTO: 710B đường Lạc Long Quân, Q. Tây Hồ, Hà Nội, điện thoại (04) 3718 4573; 829 Huỳnh Tấn Phát, Q. 7, TP. HCM, điện thoại (08) 3773 8577.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua