Thanh Bùi: Cảm ơn giấc mơ của ba tôi

Xuất phát điểm là một con số zero đúng nghĩa, nhưng Thanh Bùi – chàng nghệ sĩ châu Á đầu tiên lọt vào đến top 8 cuộc thi Australian Idol 2008 tự nhận mình là người may mắn nhất thế giới

Buổi sáng bước vào công ty, nếu nghe tiếng đàn piano réo rắt thì biết rằng “sếp đã đến rồi đấy”, các nhân viên của tác giả ca khúc Mirror Mirror kháo nhau. Thanh Bùi là như thế, buổi sáng ở nhà luôn chào các con bằng khúc hát Good morning phảng phất âm hưởng cổ điển, đến chỗ làm thì chào nhân viên bằng một khúc piano vui tươi.

Những ngày này, Thanh Bùi đang dành thời gian chuẩn bị cho vai trò giám khảo chương trình tìm kiếm tài năng nhí Thần đồng âm nhạc – Wonderkids sẽ bắt đầu phát sóng trên kênh HTV3 vào cuối tháng Bảy. Điều anh tâm đắc nhất ở cuộc thi là ý tưởng đưa âm nhạc cổ điển đến với mọi nhà. Thêm vào đó là thông điệp: thành công là trái ngọt của quá trình đam mê hết mình cùng nỗ lực học tập, làm việc. Đó cũng chính là câu chuyện cuộc đời anh.

Dân nhập cư, con nhà nghèo

Là con trai cả của một gia đình người Việt tị nạn, Thanh Bùi rất thấm mùi vị của sự nghèo khó. Ba mẹ anh sang Úc năm 1982, không bằng cấp và ngoại ngữ. Để mưu sinh, họ chỉ có thể làm công việc may vá tại nhà. Thanh Bùi chào đời và đi học với tâm thế dân châu Á, con nhà nghèo.

Mặc cảm và cô đơn, cậu học trò Thanh Bùi sớm ý thức rằng để không bị xem thường, mình phải giỏi hơn chúng bạn ở mọi lĩnh vực. Cậu học rất giỏi trên lớp. Ở sân chơi thể thao, cậu cũng thường giành giải quán quân. Riêng âm nhạc vẫn là thánh địa quá xa vời với Thanh, vì học nhạc ở Úc là điều xa xỉ đối với tầng lớp lao động như gia đình anh.

Giấc mơ có hình nốt nhạc

Thanh Bùi có cơ duyên đầu tiên với âm nhạc năm 7 tuổi. Ban tổ chức Victoria’s Children Choir đi một vòng các trường học để tìm trẻ có tiềm năng âm nhạc. May mắn, Thanh Bùi được chọn. “Lúc đó Thanh có biết gì về âm nhạc đâu, cứ hát rống lên thôi!”, anh hồi tưởng. Tuy nhiên, đó chỉ là trải nghiệm âm nhạc thú vị và ngắn ngủi chứ không giúp anh tiến xa hơn.

Năm Thanh Bùi 10 tuổi, ba anh mong có thêm đứa con gái. Một đêm nọ, ông bỗng nằm mơ thấy hình nốt nhạc. Tỉnh dậy, ông bảo vợ: “Thôi mình không nên có con gái nữa, để tiền dốc sức lo cho hai đứa con trai và cho chúng đi học nhạc”. Sau giấc mơ lạ lùng ấy của ba, Thanh Bùi và em trai được đi học nhạc, hầu hết là thể loại cổ điển: jazz ballet, nhạc thính phòng, chơi piano cổ điển… “Để hai anh em có được nền tảng âm nhạc quý giá đó, ba mẹ phải lao động cật lực, thậm chí là làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày suốt nhiều năm liền. Chỉ đến khi ngã bệnh mới ngừng nghỉ”, Thanh Bùi bồi hồi chia sẻ.

 nghe si thanh bui hinh anh 2

Có thêm kỹ năng mềm là âm nhạc, ở trường Thanh Bùi luôn thuộc diện “con nhà người ta”. Đến năm 16 tuổi, anh đã có trong tay tấm bằng AMUSA, bằng cấp công nhận khả năng biểu diễn và dạy nhạc của một cá nhân.

Nghệ thuật là quyết định dũng cảm

Ba mẹ Thanh Bùi cho con học nhạc chỉ để vun đắp tâm hồn và nhân cách. Họ không mong đợi con mình sẽ bước vào làng giải trí. Bởi cha mẹ anh cho đó là điều không tưởng với dân châu Á nhập cư, không có bệ phóng kinh tế. Ba muốn anh là luật sư, mẹ muốn anh là bác sĩ, những ước muốn truyền thống của phụ huynh châu Á dành cho con em mình.

Có lẽ Thanh Bùi đã đi theo định hướng nghề nghiệp của cha mẹ nếu không có lần tình cờ nghe danh ca Stevie Wonder biểu diễn. Nhưng giai điệu tuyệt vời, thứ âm nhạc tích cực của Stevie Wonder thôi thúc cậu thanh niên 17 tuổi ca hát. Anh quyết định đi theo con đường biểu diễn chuyên nghiệp với các dòng nhạc pop, soul. Cha mẹ phản đối quyết liệt và dọa từ con. Thế là Thanh Bùi phải tự chu toàn mọi việc.

Thành công = 1% tiềm năng + 99% nỗ lực

Xác định mình vẫn cần một tấm bằng đại học phòng khi con đường nghệ thuật không thành, Thanh Bùi chọn ngành điện toán vì ba lý do: có học bổng, thời gian học ngắn và triển vọng tốt. Chàng sinh viên điện toán dùng tiền học bổng đầu tư cho phòng thu và làm việc điên cuồng để đạt được mục tiêu. Anh dành 40 tiếng/tuần để học và 40 tiếng/tuần chơi nhạc. Trong khi bạn bè tận hưởng những kỳ nghỉ, Thanh Bùi vẫn lao đầu vào học nhằm rút ngắn thời gian lấy bằng cử nhân từ 4 năm xuống còn 3 năm để anh có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp âm nhạc.

19 tuổi, Thanh Bùi bắt đầu mở lớp dạy nhạc. 21 tuổi, anh thành lập trường nhạc Học viện nghệ sĩ quốc tế – International Artist Academy. Đến năm 24 tuổi, anh đã mở rộng được 5 chi nhánh ở Úc. Song song đó là những hợp đồng ký với Universal, EMI Music, những tour lưu diễn qua nhiều nước cùng ban nhạc The North, các hoạt động sáng tác, sản xuất…

25 tuổi, Thanh Bùi quyết định ngồi lại nói chuyện với gia đình. Trao hai chiếc chìa khóa nhà và xe Audi cho cha mẹ, “thằng cứng đầu” (lời mẹ Thanh Bùi nói về anh) thủ thỉ: “Thời gian qua con đã miệt mài học tập, làm việc nghiêm túc để có được kết quả này. Xin ba mẹ đừng giận con nữa, con không chịu nổi đâu!”.

nghe si thanh bui hinh anh 3

Sau khi giải tỏa được tâm lý với gia đình, chàng nghệ sĩ luôn có những chiến lược mạnh dạn bước vào sân chơi Australian Idol. Anh trở thành người châu Á đầu tiên vào đến top 8 tại cuộc thi này. Điều thú vị ít ai biết là trong khi anh chỉ xếp hạng 8 thì học trò anh đứng hạng 3. Thanh Bùi bảo: “Chuyện đó bình thường vì trò hơn thầy là thầy có phúc!”.

Giáo dục là đam mê lớn nhất

Thanh Bùi cho rằng giáo dục ở gia đình và nền tảng âm nhạc cổ điển là hai yếu tố tạo nên một Thanh Bùi ngày hôm nay. Ba mẹ anh là tấm gương tuyệt vời về sự nỗ lực. Ba anh bảo: “Làm gì cũng phải có sự sắp xếp và tính nhẫn nại”. Mẹ anh thì thường dạy con rằng: “Một người không bỏ cuộc sẽ rất khó thua cuộc”.

Từ trải nghiệm bản thân, anh luôn khao khát đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục qua âm nhạc cổ điển. Suốt thời đi học, Thanh Bùi luôn nằm trong nhóm Big Brothers Program có nhiệm vụ kèm cặp các bạn học sinh yếu. Khi đứng lớp dạy nhạc, anh cũng khiến nhiều người ngạc nhiên về khả năng sư phạm. “Thanh cảm thấy rất hứng thú với việc dạy, đó là niềm đam mê lớn hơn cả âm nhạc”, anh cho biết. Đó chính là lý do anh thành lập trường nhạc Soul Music & Performing Arts Academy sau khi về Việt Nam. Và cũng là lý do anh đồng ý ngồi ghế nóng chương trình giáo dục – giải trí Wonderkids.

“Giáo dục không chỉ thay đổi một con người mà còn thay đổi cả một gia đình. Giáo dục qua âm nhạc cổ điển là điều vô cùng cần thiết. Thanh hy vọng mọi người tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận âm nhạc cổ điển để giúp trẻ tự tin, sáng tạo và hoàn thiện nhân cách để bay cao, bay xa trong vùng trời mơ ước”, anh nhắn nhủ

Vì sao Thanh Bùi về Việt Nam và ở lại?

“Sau khi tham gia cuộc thi Australian Idol, Thanh nhận được lời mời biểu diễn ở Paris By Night. Khi ấy, một số nhạc sĩ Việt Nam cũng chủ động liên hệ với Thanh. Trước đó Thanh không hề có khái niệm gì về Việt Nam, thế là Thanh bắt đầu tìm hiểu về thị trường âm nhạc Việt qua Internet rồi về xem thử.

Thanh tìm đến ngôi nhà ngày trước cha mẹ mình ở và chợt nhận ra nguồn gốc của mình. Cái cảm giác đó rất thân thương. Thật ra là đã có một số thứ khiến Thanh sốc và quyết định quay về Úc, nhưng câu nói của Vân (sau này trở thành vợ anh) đã giữ Thanh ở lại: “Anh ở lại Việt Nam hay về Úc hoàn toàn là quyết định của anh. Nhưng em hỏi anh: Một người có điều kiện như anh nên bỏ đi hay ở lại để góp phần làm cho đất nước này tốt đẹp hơn?”. Ngay sau đó, Thanh đã lên một chiến lược 10 năm cho những dự định của mình ở Việt Nam.”

Bài: Ti Gôn
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua