Thận trọng khi mua hàng qua mạng

Mua hàng qua mạng giải quyết được vấn đề thời gian và công sức cũng như tiết kiệm chi phí, nhưng nếu không tìm hiểu kỹ để chọn mặt gửi tiền, bạn có thể thất vọng

Cuối năm 2013, chị Nguyễn Thị An, ngụ quận 2, TP. HCM, mua một chiếc bếp gas qua mạng. Chị An nhớ lại: “Tôi chọn website bepgasbinh…vn vì thấy bên dưới có địa chỉ cửa hàng rất rõ ràng và có vẻ rất có hệ thống. Các sản phẩm bán trên đó cũng toàn thương hiệu nổi tiếng”.

ĐA DẠNG KIỂU LỪA KHI MUA HÀNG QUA MẠNG

Mua hang qua mang hinh anh 1

Sau khi chị An đặt hàng, nhân viên website nọ đến nhà giao một chiếc bếp “xịn” giá 14,4 triệu đồng kèm theo phiếu bảo hành cùng hóa đơn bán lẻ. Chưa đầy một năm sau, chiếc bếp ga bỗng “trở chứng”, chị An gọi đến tất cả các số điện thoại trên hóa đơn bán lẻ cũng như phiếu bảo hành mới té ngửa.

Số đầu tiên là một trung tâm bảo hành tại miền Nam, họ trả lời rằng: “Công ty chúng tôi không bảo hành loại bếp gas có nhãn hiệu đó”. Gọi vào số hotline, chị An phát hoảng khi người nghe máy chửi thề một tràng rồi cúp máy. Quá tức giận, chị tiếp tục gọi vào số điện thoại trên hóa đơn bán lẻ thì cả hai số đều “ò í e”.

Chị An chạy xe đến địa chỉ cửa hàng ghi trên hóa đơn thì hóa ra đó là một con hẻm, không hề thấy bóng dáng một cửa hàng bếp gas nào. Lúc này, chị cầm chắc mình đã bị lừa và cái bếp gas chị mua chỉ là hàng nhái.

Trường hợp chị Lê Thị Trang, ngụ Q. 1, TP. HCM, là một kiểu lừa khác. Chị Trang kể: “Tôi mua một chiếc áo cho con qua một trang mạng ở nước ngoài. Hình sản phẩm có màu đỏ tươi rất bắt mắt, thiết kế cũng rất tuyệt. Sau khi thanh toán trực tuyến, một tuần sau tôi nhận được hàng và… rất tức giận. Chính là mẫu áo đó nhưng nhàu nhĩ, không phải màu đỏ tươi tôi thích mà là màu bã trầu buồn bã”.

Khi mua hàng qua mạng, người mua thường bị lừa các kiểu như: mua phải hàng giả, kém chất lượng, hàng không giống như cam kết trên website (về màu sắc, kiểu dáng), đã thanh toán mà không nhận được hàng…

SAO ĐỂ AN TOÀN KHI MUA HÀNG QUA MẠNG?

Mua hang qua mang hinh anh 2

Chỉ nên chọn những website được nhiều người tín nhiệm – Ảnh minh họa

Anh Lê Lâm Minh, một người đang kinh doanh trực tuyến, đưa ra lời khuyên: “Nếu mua hàng phải thanh toán trực tuyến rồi mới nhận sản phẩm, bạn phải thận trọng vì đây là cách mua nhiều rủi ro nhất. Với phương thức này, bạn chỉ nên chọn những website uy tín nhất và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Nếu được, bạn chỉ nên thanh toán một phần, nhận hàng rồi mới trả hết số tiền còn lại. Bên cạnh đó, nếu bạn thanh toán trực tuyến qua tài khoản ngân hàng, bạn chỉ nên sử dụng thẻ có báo tin nhắn phản hồi thanh toán bao nhiêu, thanh toán cho những gì… vì khi thanh toán qua mạng, bạn có thể sẽ bị ăn cắp thông tin và không kiểm soát được mình có bị ăn cắp tiền hay không.

Bạn nên chọn mua trên website của những công ty hơn là cá nhân. Ngay cả khi đó là công ty, bạn cũng nên chọn những công ty tên tuổi, có uy tín và kiểm tra xem công ty đó có tồn tại không bằng cách gọi đến số điện thoại họ cho trên website và tìm thêm thông tin về công ty đó trên mạng, hỏi qua bạn bè, đồng nghiệp…

Khi nhận những sản phẩm như thực phẩm, quần áo, giày dép… bạn nên kiểm tra hạn sử dụng, kích cỡ, màu sắc vì hình ảnh trên mạng có thể khác thực tế. Bạn nên gọi điện tới trước để xác nhận với người bán về những cam kết đổi trả hàng nếu như không hài lòng với chất lượng sản phẩm. Với hàng điện tử, hàng gia dụng có giá trị cao, nếu không thạo xem hàng, bạn rất dễ bị lừa và mua phải hàng kém chất lượng. Tốt nhất, bạn nên đến các siêu thị điện máy uy tín để mua.

Bạn cũng nên thận trọng trước những lời quảng cáo giá rẻ, siêu khuyến mãi. Thực tế, chẳng ai buôn bán mà không cần lợi nhuận, vì vậy hãy thật cân nhắc trước khi mua.

Nếu không giỏi ngoại ngữ, bạn không nên mua hàng trên website nước ngoài. Do không hiểu rõ điều khoản thanh toán, đổi trả hàng, bạn có thể mất tiền oan”.

THÔNG TIN THÊM

Mua hang qua mang hinh anh 3

Khi mua hàng qua mạng và phát hiện đã bị lừa, bạn nên liên hệ với các cơ quan sau đây để được hỗ trợ:

Tại Hà Nội:

♠ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), số 214/22 Tôn Thất Tùng, hotline (04) 3574 5757

♠ Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, số 25 Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, hotline (04) 3938 7846.

Tại TP. HCM:

♠ Hội Chống gian lận thương mại & Hỗ trợ người tiêu dùng TP. HCM (AFCA), tòa nhà Pacific Dragon, 600 Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, điện thoại (08) 3512 1166 – 3512 5599

♠ Cục Quản lý cạnh tranh – Văn phòng phía Nam, số 8 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q. 1 (tầng 6, văn phòng Trung tâm Phát triển xuất nhập khẩu phía Nam), điện thoại (08) 3914 6297

♠ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – Văn phòng phía Nam, 49 Pasteur, Q. 1, điện thoại (08) 3821 5294.

PHỎNG VẤN NHANH

CHỊ TRẦN NGỌC THAO, TP. ĐÀ NẴNG: “Tôi hay mua những vật dụng dùng thường ngày như nước hoa hồng, dầu hấp tóc, quần áo… qua mạng. Gần đây nhất, tôi mua một túi xách. Trên hình, túi rất đẹp, da bóng nhưng khi nhận hàng thì… hỡi ôi. Da túi rất tệ, ở trong chỉ có một ngăn duy nhất, sau hai tháng sử dụng thì dây kéo hư. Kinh nghiệm cho thấy, bạn đừng bao giờ tin những lời đường mật tung hô là hàng xịn đang giảm giá. Tôi nghĩ, mua hàng qua mạng là chấp nhận rủi ro”.

CHỊ PHAN NGUYỄN THẢO MY, Q. BÌNH THẠNH, TP. HCM: “Tôi nghĩ đã mua hàng trên mạng, bạn đừng quá kỳ vọng rằng mình sẽ nhận được món hàng y chang trong hình. Bạn cũng nên xác định rằng, cái gì rẻ thì sẽ không chất lượng. Bạn cũng không nên mua những món hàng giá trị lớn qua mạng”.

ANH NGUYỄN NGỌC SƠN, Q. THỦ ĐỨC, TP. HCM: “Tôi đặt mua một chiếc xe leo tường rao bán tại Hồng Kông qua một website nước ngoài. Sau khi thanh toán, chúng tôi chờ đợi bảy tuần mới nhận được hàng và thật sự thất vọng. Người bán quảng cáo là xe leo tường được 6–7 phút nhưng thực tế chỉ khoảng 2 phút. Ngoài ra, chiếc xe như hàng mã, vừa mở hộp đã rớt ngay một đèn”.

An Đông

Mục Bí quyết − Tiếp Thị Gia Đình

 

Đừng bỏ qua