Có rất nhiều chương trình tình nguyện, phổ biến nhất trong sinh viên có thể kể đến như Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi,… Mỗi năm các hoạt động trên đều thu hút hàng trăm ngàn sinh viên tham gia. Tuy nhiên xung quanh câu chuyện tình nguyện, vẫn có nhiều ý kiến đặt ra rằng có nên tham gia tình nguyện hay không khi giá trị mang lại không đúng như ý nghĩa của tên gọi.
Ý nghĩa của những chuyến đi tình nguyện
Tham gia tình nguyện là tự nguyện đóng góp sức mình thông qua các hoạt động xã hội với mong muốn góp chút công sức của mình và làm cho xã hội, đất nước được tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay một số người cho rằng tham gia tình nguyện chỉ mất thời gian và giá trị mang lại không thiết thực. Vì sao họ lại có suy nghĩ đó?
Trên thực tế, các hoạt động tình nguyện đã có từ lâu và nhiều nơi, đó trở thành một hoạt động truyền thống, gắn liền với tên tuổi của các tổ chức. Và vì truyền thống cần phải làm, nên đôi khi người tổ chức không thật sự để tâm đến ý nghĩa cốt lõi của tình nguyện. Rất nhiều hoạt động được diễn ra, tất nhiên về mặt ý nghĩa vẫn góp phần một công sức cho xã hội, tuy nhiên nó chỉ mang tính ngắn hạn và hình thức.
Ví dụ như những hoạt động nhặt rác, nạo vét kênh mương. Một số ý kiến cho rằng: “Rác thải là do người dân quanh vùng xả ra, nên họ phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình”.
Ý kiến đó không sai. Trên thực tế, có nhiều nơi tình nguyện viên đến dọn rác sạch sẽ, khơi thông cống rãnh nhưng vài tuần sau, mọi việc đâu lại vào đấy. Đó là do ý thức của người dân khu vực. Đôi khi, các hoạt động tình nguyện lại vô tình khiến những người dân càng thêm ỷ lại và nghĩ rằng đó là công việc của họ.
Quay lại câu hỏi “Cho con cá hay cho cần câu”. Tham gia tình nguyện cũng thế. Ý nghĩa của hoạt động tình nguyện không chỉ dừng lại ở việc tự nguyện làm việc giúp người khác mà cao hơn cả, là xây dựng cộng đồng mà tất cả mọi người đều có ý thức bảo vệ và phát triển xã hội.
Hoạt động tình nguyện ở mức ý nghĩa cao hơn là phải tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Làm cho họ biết rằng phải có trách nhiệm với các hành vi của mình. Và trên hết là phải luôn ghi nhớ, muốn người khác tốt hơn không phải cho những cái họ cần mà giúp họ đạt được những điều họ mong muốn.
Tham gia tình nguyện là gắn với trách nhiệm
“Tham gia tình nguyện đi, vui lắm”. Đó là câu nói cửa miệng của nhiều bạn đã và đang là tình nguyện viên.
Tất nhiên niềm vui đến từ nhiều lí do. Vui vì mang lại hạnh phúc cho người khác, vui vì thấy người khác sống tốt hơn hoặc đơn thuần vui vì được gắn bó, đoàn kết cùng đồng đội.
Tất cả niềm vui đều đáng được trân trọng. Nhưng những niềm vui đó nên hướng tới giá trị cộng đồng và gắn với trách nhiệm của tình nguyện viên.
Cần phải xác định rằng đi tình nguyện không phải là đi du lịch. Và một khi đã tham gia tình nguyện, bạn phải đánh đổi với những rủi ro. Như vụ việc ba nữ sinh Ngoại thương tử vong khi đi tình nguyện vừa rồi, là một trường hợp đáng tiếc và đau lòng. Nguyên nhân là do nước ở thượng nguồn chảy mạnh, và các bạn không đủ kĩ năng để vượt suối nên để xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Vì thế không chỉ cá nhân mà các tổ chức phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo các kĩ năng sinh tồn cho tình nguyện viên. Không chỉ tổ chức các buổi tập huấn mà quan trọng hơn, cần nâng cao chất lượng các buổi đó cũng như áp dụng các kĩ năng cần thiết liên quan đến công việc, vùng miền mà các tình nguyện viên hoạt động.
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức nên có sự cân nhắc các hoạt động trong chương trình tình nguyện. Một số hoạt động chuyên môn và quá sức đối với sinh viên như làm đường, xây nhà,… nên cần được hạn chế.
Tình nguyện xuất phát từ cái tâm và tâm ý của mỗi người khác nhau nên không thể có câu trả lời chính xác nên hay không tham gia tình nguyện. Tuy nhiên, nếu bạn có mong muốn giúp đỡ xã hội, thì hãy thực hiện ngay điều đó mà không cần phải thông qua bất kì tổ chức hay chương trình cụ thể nào. Và nên nhớ, hãy đặt lòng tốt của mình cho những ai sử dụng và biết trân trọng chúng.
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình