Thai phụ tiếp xúc với khói bụi nhiều có nguy cơ sinh con tự kỷ

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pittsburgh, Mỹ, cho biết nguy cơ sinh con bị tự kỷ ở thai phụ hít phải các hạt bụi nhỏ cao gấp 1,5 lần so với bình thường

Khảo sát được tiến hành từ năm 2005 − 2009 trên 211 gia đình sinh con bị rối loạn tự kỷ và 219 gia đình sinh con khỏe mạnh. Các nhà khoa học tiến hành ước lượng khả năng tiếp xúc PM2.5 (hạt bụi siêu mịn, có thể xâm nhập trực tiếp vào phổi) của thai phụ trước, trong và sau khi sinh. Đây là loại ô nhiễm hạt được tìm thấy trong không khí, có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet hoặc bằng 1/30 chiều rộng trung bình của một sợi tóc. Kết quả cho thấy những trẻ nào tiếp xúc với hạt PM2.5 từ trong bụng mẹ đến hai năm đầu đời nhiều hơn sẽ có nguy cơ bị tự kỷ cao gấp 1,5 lần.

Trước đây, người ta cũng đã đúc kết một số nguyên nhân gây tự kỷ như sau:

− Di truyền: Các nghiên cứu y học cho thấy 90% trẻ mắc bệnh tự kỷ là do di truyền.

− Trong quá trình mang thai người mẹ mắc bệnh cúm, sởi… điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, không những khiến thai nhi bị dị dạng mà còn khiến trẻ mắc bệnh tự kỷ.

− Đái tháo đường: Những người mẹ mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai sẽ tăng gấp đôi nguy cơ con bị mắc bệnh tự kỷ.

− Thai phụ sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ như thuốc an thần, a-xít valproic hoặc thuốc điều trị dạ dày, tá tràng, viêm khớp…có thể khiến thai nhi dễ mắc bệnh tự kỷ sau khi chào đời.

− Thuốc trừ sâu: Phụ nữ trong 8 tuần đầu thời kỳ mang thai nếu sống gần nơi ruộng đồng, nông trại có phun nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… thì có nguy cơ mắc bệnh tư kỷ cao hơn những nơi có môi trường trong lành, sạch sẽ.

− Gặp vấn đề về tuyến giáp: Vấn đề về tuyến giáp là do sự thiếu hụt thyroxine của người mẹ trong tuần 8–12 của kỳ thai nghén. Điều này sản sinh ra những thay đổi trong não thai nhi dẫn tới tự kỷ.

− Thai phụ bị căng thẳng, mệt mỏi, stress, u buồn… thì trẻ sinh ra dễ bị bệnh tự kỷ.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua