Ngâm măng khô sao cho mau nở?
Măng khô là nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn truyền thống ngày Tết. Tuy nhiên, công đoạn sơ chế măng khô lại tốn khá nhiều thời gian và đôi khi thành quả chẳng được như ý muốn. Để măng khô mau nở, bạn nên dùng nước gạo ngâm măng.
Nếu muốn để lâu, hãy cho măng vào nồi nước đun sôi khoảng 30 phút. Sau đó chuyển bếp sang chế độ lửa nhỏ đun tiếp trong khoảng vài phút nữa rồi vớt măng ra. Bạn nhớ cắt bỏ những phần măng già rồi rửa sạch. Dùng nước gạo hoặc nước sôi ngâm măng để ăn dần trong những ngày Tết. Lưu ý cứ 2-3 ngày nên thay nước ngâm măng một lần.
Cách luộc gà ngon da giòn
Sau khi rửa sạch gà và để ráo, bạn chuẩn bị một chiếc nồi sâu lòng. Đặt con gà vào nồi sao cho phần bụng gà hướng xuống dưới. Đổ nước lạnh ngập gà, đun với lửa to sẽ giúp gà không bị đỏ xương. Cho khoảng 20g hành tím, gừng cùng vài đầu hành và 1 muỗng cà phê muối vào nồi để nước luộc gà thơm ngon, ngọt vị.
Khi nồi gà sôi, bạn đun thêm khoảng 5 phút. Sau đó vặn nhỏ lửa đun trong 5 phút nữa rồi mới tắt bếp. Ngâm gà khoảng 10-15 phút trong nồi để gà chín đều. Vớt gà ra cho vào nồi nước lạnh tới khi nguội hẳn. Điều này sẽ giúp phần da gà giòn dai hơn.
Mẹo bảo quản bánh tét lâu hơn
Bánh tét thường được làm trước Tết và ăn dần sau đó. Vì thế, khâu chế biến rất quan trọng trong việc giúp bánh có thể giữ được lâu. Gạo nếp phải là loại ngon nhất, thơm và tươi mới. Bạn nên vo đậu xanh nhiều lần cho thật sạch vỏ. Thịt lợn và mỡ lợn được ướp muối, đường và các gia vị khác trước khi trộn tất cả lại với nhau và nấu chín. Một số người thích biến tấu bằng cách cho thêm tôm khô cùng với thịt lợn ở phần nhân để bánh tét ngon hơn.
Cách bảo quản truyền thống là treo bánh tét ở nơi thoáng mát và sạch sẽ, tránh khu vực nóng ẩm có thể khiến bánh nhanh mốc. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bảo quản bánh bằng hút chân không và giữ lâu trong ngăn mát tủ lạnh. Ăn đến đâu thì cắt bánh đến đó. Phần bánh chưa ăn cần được bọc lại bằng màng bọc thực phẩm để hạn chế ám mùi các loại thức ăn khác trong tủ.
>>Xem thêm: Mẹo bảo quản nữ trang sáng đẹp theo năm tháng
Lau chùi đồ nội thất bằng gỗ sạch bóng
Lau chùi đồ nội thất bằng gỗ như bàn, ghế, tủ tường… dường như đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều bà nội trợ mỗi dịp Tết đến xuân về. Bạn có biết, dùng quá nhiều chất lỏng khi dọn dẹp có thể khiến gỗ bị sẫm màu và cong vênh.
Tannin trong trà đen có khả năng làm sạch lớp sáp tích tụ trên bề mặt gỗ rất hiệu quả. Bạn chỉ cần pha 2 túi trà đen trong 2 cốc nước nóng. Khi trà nguội, bạn nhúng khăn mềm vào dung dịch và vắt sao cho khăn còn hơi ẩm. Lau theo chiều của vân gỗ. Sau đó, xả khăn dưới vòi nước thường để loại bỏ chất bẩn rồi tiếp tục nhúng nước trà lau lại. Lặp lại quá trình này cho đến khi đồ gỗ được làm sạch hoàn toàn.
Ngoài ra, làm sạch các vết đáy ly, cốc ướt để lại trên mặt gỗ cũng khá đơn giản. Đầu tiên, bạn có thể xoa dầu ô liu hoặc sốt mayonnaise lên vệt ly trên gỗ. Để nguyên trong 1 giờ sau đó dùng khăn để đánh bóng mặt gỗ. Cách thứ 2 là dùng kem đánh răng và một miếng vải mềm chà xát lên vết bẩn cho đến khi nó biến mất. Lau sạch kem đánh răng bằng vải ẩm và đánh bóng bề mặt bằng vải mềm.
Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm!
Vào dịp Tết, lượng bát đĩa được sử dụng thường tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba bởi những cuộc tụ họp, bữa cơm đoàn viên của đại gia đình. Làm thế nào để dọn rửa nhanh gọn?
Trước tiên hãy dành ra một vài phút để ngâm bát đĩa trong bồn hòa nước rửa bát. Các chất hoạt động bề mặt và dung môi sẽ khiến cho vết bẩn trôi ra dễ dàng hơn. Bắt đầu rửa từ món đồ ít dính dầu mỡ nhất rồi đến chén, dĩa, đũa, muỗng và cuối cùng là làm sạch nồi chảo. Với vết bẩn cứng đầu từ thức ăn cháy khét, bạn có thể đổ đầy nước nóng cùng nước rửa bát vào nồi bẩn. Sau đó, đun sôi hỗn hợp và để nồi nguội trong khoảng 1 giờ.
Bên cạnh đó, dùng nước nóng để tráng bát đĩa sẽ giúp chúng sạch hơn. Bạn cũng nên rửa bát bằng miếng bọt biển có mặt cọ rửa bằng lưới hoặc gai silicone.
Tiếp Thị Gia Đình