Tết Đoan Ngọ là gì ở các quốc gia phương Đông?

Tết Đoan Ngọ, Tết nửa năm là một ngày quan trọng của người Việt Nam. Vậy Tết Đoan Ngọ là gì theo quan niệm ở nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc? Mời bạn cùng khám phá

Dân gian Việt Nam có câu:

“Tháng Tư đong đậu nấu chè,

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là một trong những dịp lễ lớn trong năm chỉ sau Tết Nguyên Đán. Tết này được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, nên còn có một tên gọi khác là tết nửa năm. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, người ta thường sắm sửa hoa quả, đặc biệt là bánh ú nước tro, cơm rượu nếp, vịt quay để cúng trời đất. Vậy Tết Đoan Ngọ là gì?

Tết Đoan Ngọ là gì ở Việt Nam?

Tet Đoan Ngo la gi hinh anh 2

Cơm rượu nếp là món ăn truyền thống trong ngày tết diệt sâu bọ

Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương. Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian giữa trưa từ 11 –13 giờ. Cho nên việc cúng bái được tiến hành vào giờ chính Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Trong một truyền thuyết của người Việt, thời đó các loài sâu bọ sinh sôi nảy nở, phá hoại mùa màng. Một ông lão tự xưng tên là Đôi Truân bất ngờ xuất hiện và bày cho người dân cách lập đàn cúng bằng bánh tro, trái cây vào giữa trưa để tiêu diệt sâu bọ. Từ đó, hàng năm người dân đều cúng theo đúng cách ông lão đã dạy. Tết Đoan Ngọ vì thế có tên gọi khác là tết diệt sâu bọ.

Bên cạnh đó, người Việt còn quan niệm rằng trong con người có nhiều sâu bọ đang ẩn nấp, nhất là ở bộ phận tiêu hóa. Vào dịp này, người ta dùng thức ăn, hoa quả và rượu nếp chọn đúng ngày sâu bọ phát triển mạnh nhất để tiêu diệt chúng. Ngoài ra, người ta còn dùng lá ngải cứu, xương bồ treo giữa cửa nhà để trừ khử tà ma.

TẾT ĐOAN NGỌ Ở HÀN QUỐC

Tet Doan Ngo la gi hinh anh 3

Món bánh được làm từ bột gạo của người Hàn Quốc

Cùng chung nền văn hóa phương Đông, người dân Hàn Quốc cũng tổ chức ăn mừng Tết Đoan Ngọ, nhưng lại có một chút khác biệt với nước ta. Vậy ở Hàn Quốc, Tết Đoan Ngọ là gì?

Với tên gọi là Dano, Tết Đoan Ngọ ở xứ Hàn cũng được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm. Vào dịp tết này, người Hàn Quốc chia nhau những món ăn truyền thống như bánh Suritteok và Yaktteok, làm từ bột gạo để giữ gìn sức khỏe và cầu mùa màng bội thu. Phụ nữ dùng nước cây diên vĩ đun sôi để gội đầu. Đàn ông, dùng rễ cây diên vĩ quấn quanh người để trừ tà ma. Bên cạnh đó, Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc còn khuyến khích người dân tập luyện thể dục để giữ gìn vóc dáng với những trò chơi vận động như đu quay và đấu vật.

TẾT ĐOAN NGỌ Ở TRUNG QUỐC

Tet Đoan Ngo la gi hinh anh 4

Túi thơm có thêu chữ của người Trung Quốc

Liên quan đến việc xác định Tết Đoan Ngọ là gì ở Trung Quốc hiện nay cũng có nhiều luồng ý kiến. Tuy nhiên, khởi nguồn từ quan niệm vào thời Tiên Tần cho rằng đây là một ngày không may mắn nên lấy cành đào ngũ sắc và nút kết bằng tơ ngũ sắc treo trước cửa nhà hoặc đeo trên vai. Từ thời nhà Hán trở về sau, Tết Đoan Ngọ trở thành tập tục cúng tế có liên quan đến truyền thuyết về Tả Đồ Khuất Nguyên của nước Sở.

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người ta đi thăm hỏi, biếu quà và cùng ăn các món truyền thống như bánh chưng, trứng mặn… Người lớn thường mang cho trẻ những vật trừ tà như chỉ năm màu, túi thơm, giày hình đầu hổ, yếm thêu hình con hổ. Trước nhà treo các loại lá thuốc để xua đuổi bệnh tật, trừ ruồi muỗi.

Tóm lại, dù có sự khác biệt giữa các nền văn hóa, Tết Đoan Ngọ vẫn là một phong tục đậm chất Á Đông, gắn liền với quan niệm tuần hoàn của thời tiết trong một năm. Trong ngày này, người ta làm nhiều việc để cầu mong cho mùa màng thuận lợi, sức khỏe dồi dào, gửi gắm mong ước may mắn, bình an cho mình và người thân yêu.

Bài: Hân Thái

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua